Ðừng im lặng khi bị bạo lực gia đình
Đời sống - Ngày đăng : 09:17, 03/01/2023
Đây chỉ là số vụ việc đã được xử lý, thông tin, do người bị hại trình báo với cơ quan chức năng. Thực tế, vì nhiều lý do khác nhau, nhiều nạn nhân bị bạo lực gia đình chưa dám lên tiếng vì tâm lý e ngại, xấu hổ với bà con hàng xóm, sợ ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình sau này. Trong khi đó, công tác điều tra, làm rõ hành vi bạo lực gia đình, nhất là tại những địa bàn vùng sâu vùng xa của cơ quan chức năng còn gặp rất nhiều khó khăn.
Luật Phòng, chống bạo lực gia đình ghi rõ: Bạo lực gia đình là một dạng thức của bạo lực xã hội, là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình. Gia đình là tế bào của xã hội, nên bạo lực gia đình có thể coi là hình thức thu nhỏ của bạo lực xã hội với nhiều dạng thức khác nhau. Đặc biệt, bạo lực gia đình không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng và tâm lý của nạn nhân mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế- xã hội của mỗi địa phương.
Tranh minh họa. Nguồn: Internet |
Tuy nhiên, xuất phát từ thực tế quan hệ trong gia đình mang tính khép kín, với các thành viên gia đình cũng như những người xung quanh. Vì thế, những vụ bạo lực gia đình thường khó phát hiện. Khi bị phát hiện cũng khó xử lý bởi tâm lý e ngại của nạn nhân và cả những người biết chuyện. Các quy định pháp luật khó vươn tới từng gia đình, bởi nhận thức của người dân về vấn đề này còn hạn chế, sự can thiệp của pháp luật có thể dẫn tới phá hoại các mối quan hệ các thành viên gia đình.
Do đó, gia đình và thành viên gia đình đóng một vai trò rất quan trọng trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Bất cứ thành viên nào trong gia đình cũng có thể có hành vi bạo lực gia đình; đồng thời chính họ cũng dễ dàng trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình. Vì vậy, pháp luật đã quy định gia đình và các thành viên gia đình phải có trách nhiệm, sự chủ động nhất định trong phòng, chống bạo lực gia đình: giáo dục, nhắc nhở, hòa giải mâu thuẫn giữa các thành viên, ngăn chặn người có hành vi bạo lực, chăm sóc nạn nhân...
Bạo lực gia đình từ lâu đã không còn là vấn đề của mỗi gia đình mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất ổn định xã hội. Do đó, mỗi người dân không xem nhẹ bạo lực gia đình, vì nó luôn hiện hữu trong mỗi cá nhân, thành viên gia đình, cộng đồng. Trước hết và trên hết, ngay chính trong các gia đình, mỗi thành viên phải luôn quan tâm đến vấn đề phòng, chống bạo lực gia đình, không để hình thành tình trạng bạo lực lẫn nhau. Mặt khác, các cấp chính quyền, ngành chức năng tăng cường tuyên truyền, giáo dục ý thức phòng, chống bạo lực gia đình. Pháp luật phải xử lý thật mạnh tay, thật nghiêm khắc đối với những hành vi bạo lực gia đình để phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng này. Những vụ án liên quan đến bạo lực gia đình cũng cần được tổ chức xét xử, thu hút đông đảo người dân theo dõi, để giáo dục, tạo sự răn đe cao trong cộng đồng, góp phần ngăn ngừa các hành vi bạo hành trong gia đình.