Ðiều trị bệnh tiểu đường bằng y học cổ truyền
Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 08:34, 21/11/2022
Hiện nay, rất nhiều bệnh nhân bị tiểu đường lâu năm đã lựa chọn y học cổ truyền để điều trị những biến chứng do bệnh gây ra. Bởi người bệnh mắc bệnh tiểu đường thường kèm thêm các bệnh lý khác như tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, các bệnh lý về cơ xương khớp… Nhờ được hỗ trợ tích cực từ các y, bác sĩ, sau liệu trình điều trị, sức khỏe của nhiều bệnh nhân được cải thiện đáng kể.
Bà Nguyễn Thị Hà, xã Trường Xuân (Đắk Song) đang điều trị nội trú bệnh tiểu đường và phục hồi chức năng khớp chân tay tại Khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho hay: bà mắc bệnh tiểu đường từ năm 2014, biến chứng tê bì chân tay, đau nhức cứng khớp, đi lại gặp nhiều khó khăn. Sau khi điều trị ổn định bằng tây y, bà kết hợp thêm điều trị bệnh tiểu đường và phục hồi chức năng bằng y học cổ truyền. Nhờ đó, tình trạng sức khỏe hiện ổn định hơn rất nhiều, bà đã chống gậy đi được và tự vệ sinh cá nhân.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân bị tiểu đường tại Khoa Y học cổ truyền |
Tương tự, ông Trần Văn Hùng bị tiểu đường gây biến chứng mắt mờ, méo miệng. Ông kết hợp điều trị y học cổ truyền gồm các liệu trình châm cứu, mát xa mặt, xông ngải cứu, bó thuốc, đến nay tình trạng sức khỏe của ông đã được cải thiện đáng kể. Ông Hùng chia sẻ: “Tôi bị tiểu đường nặng nên biến chứng gây méo miệng mờ mắt làm ảnh hưởng rất nhiều trong việc giao tiếp với người xung quanh, tôi được tư vấn chuyển sang điều trị thêm bằng y học cổ truyền. Đến nay, tình trạng bệnh của tôi đã đỡ rất nhiều”.
Bác sĩ Bùi Đình Hiền, Phó trưởng Khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Đa khoa Đắk Nông cho biết: Đường máu là nguồn năng lượng chính của cơ thể, là nguồn nhiên liệu cực kỳ quan trọng cần thiết cho tế bào thần kinh và tế bào não. Vì vậy, việc tăng hay giảm đường máu đều ảnh hưởng tới toàn bộ cơ thể. Dấu hiệu nhận biết bệnh tiểu đường thường là người bệnh sẽ ăn nhiều, mau đói, mệt mỏi; bệnh nhân khát nhiều, môi khô, ngứa ngoài da; sụt cân nhanh, dễ nhiễm nấm và các nhiễm trùng khác; các vết cắt, vết thương ngoài da lâu lành; mắt nhìn mờ; tê bì và mất cảm giác.
Với quan điểm của y học cổ truyền trong điều trị tiểu đường là điều trị một cách toàn diện bởi vì coi thân thể là một thể thống nhất. Khi bệnh nhân nhập viện điều trị, các bác sĩ sẽ thăm khám kỹ và xác định thể bệnh theo y học cổ truyền. Sau đó, tùy từng thể bệnh mà xác định phương pháp điều trị phù hợp.
Theo bác sĩ Hiền, người bị bệnh tiểu đường cần quan tâm tới 3 yếu tố, đó là chế độ ăn uống, tập luyện và dùng thuốc. Về chế độ ăn uống, người bệnh không được ăn chất ngọt có trong đường tinh luyện, đường kính, bánh kẹo, nước ngọt có gas… chỉ nên dùng đường có trong trái cây. Người bệnh cần xét nghiệm máu định kỳ kiểm tra lượng đường để điều chỉnh lượng tinh bột cho phù hợp.
Về chế độ tập luyện, nên luyện tập 30 phút/ngày để tiêu hao bớt năng lượng hoặc tập 150 phút/tuần, 3 ngày/tuần. Duy trì chế độ luyện tập sẽ giúp cân bằng lượng đường trong cơ thể cho người bệnh. Về dùng thuốc, người bệnh phải tuân thủ theo hướng dẫn của thầy thuốc và tuyệt đối không được bỏ điều trị.