"Làn gió mới" cho nông nghiệp Ðắk Nông

Kinh tế - Ngày đăng : 08:52, 14/11/2022

Thời gian qua, nhiều thanh niên Đắk Nông dù đã tốt nghiệp đại học, tìm được công việc ổn định ở thành phố, nhưng vẫn chọn hướng về quê làm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Quyết định của họ dù có thể không đúng với kỳ vọng của gia đình, người thân, nhưng nhiều người đã thành công. Bởi họ đều có tư duy hiện đại, áp dụng khoa học, kỹ thuật cao vào sản xuất, tạo ra "làn gió mới" cho nền nông nghiệp Đắk Nông.

Kỳ 1: Tư duy mới, cách làm mới

Phần lớn giới trẻ làm nông nghiệp đều có tư duy mới, cách làm mới. Trong đó, họ chú trọng áp dụng khoa học, kỹ thuật, tạo ra những sản phẩm đặc trưng, có chất lượng cao, gắn với thị trường tiêu thụ.

Thay đổi cách thức sản xuất

Từ khi còn học tiểu học, Nguyễn Trường Hải (sinh 1988), xã Đức Minh (Đắk Mil) đã được ba mẹ gửi đi TP. Nha Trang học. Một kỳ vọng lớn kèm theo khoản đầu tư học tập được gia đình dành cho Hải khá lớn.

Năm 2011, Hải tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin, Trường Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh. Ước mơ làm kỹ sư công nghệ, nên Hải xin vào làm việc cho 1 trung tâm công nghệ thông tin ở TP. Hồ Chí Minh, với mức thu nhập gần 20 triệu đồng/tháng.

Khi còn làm việc ở trung tâm này, Hải đầu tư hơn 40 triệu đồng tham gia lớp học về kiến thức sản xuất, chế biến, rang xay cà phê và thiết kế quán cà phê. Qua lớp học, Hải được gặp nhiều người đang làm việc, gắn bó với ngành cà phê.

Từ đây, Hải nung nấu ý tưởng dấn thân vào nghề sản xuất cà phê. Sau khóa học, Hải nhận được nhiều lời mời hỗ trợ giảng dạy, tổ chức sự kiện, kiểm nếm về cà phê.

Giai đoạn 2015 - 2017, Hải được làm việc cho tổ chức phi chính phủ chuyên thực hiện các dự án về cộng đồng. Từ các dự án, Hải tiếp cận với quan điểm sản xuất, phát triển bền vững, hướng về cộng đồng.

Sau 2 năm suy nghĩ, chuẩn bị các khâu, Hải quyết định bỏ việc ở thành phố, trở về quê làm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Quyết định này của Hải khiến ba mẹ thất vọng, người thân trách móc, hàng xóm dị nghị.

Nguyễn Trường Hải đã rời bỏ công việc ở thành phố để về quê sản xuất nông nghiệp

"Với họ, việc tôi trở về làm nông nghiệp là một thất bại. Họ nghĩ rằng, tôi trở về làm nông nghiệp là lãng phí, bỏ qua những cơ hội tốt để phát triển bản thân", Hải chia sẻ.

Làm nông nghiệp, Hải gặp phải không ít khó khăn như quy trình sản xuất chưa ổn định, thị trường tiêu thụ hạn hẹp, chi phí phân bón tăng cao, giá nông sản bấp bênh...

Từ khó khăn đó đã khiến Hải có quyết tâm lấy hiệu quả kinh tế để trả lời cho tất cả. Vụ sản xuất cà phê đầu tiên, áp dụng quy trình thu hái chín, phơi trên nhà lưới được 3 tấn, nên giá bán cao gần gấp đôi giá thị trường.

Chính hiệu quả trong việc thu hoạch, sơ chế đã giúp Hải nâng cao giá trị sản phẩm cà phê. "Những người hàng xóm lúc đầu nhìn tôi với ánh mắt dò xét. Nhưng họ đã thấy được những tín hiệu tích cực từ cách làm của tôi", Hải chia sẻ.

Quá trình sản xuất nông nghiệp, Hải đã thuyết phục ba mẹ, người thân thay đổi cách thức sản xuất. Thậm chí, anh còn "cầm tay chỉ việc" để giúp người thân áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất cà phê.

Hải miệt mài cung cấp kiến thức để giúp ba mẹ, người thân lựa chọn cách làm cà phê hiện đại, nâng giá trị sản phẩm. Hải thường xuyên dẫn ba mẹ, người thân tham gia các lớp học làm cà phê do các chuyên gia trong, ngoài nước giảng dạy để họ tiếp cận kiến thức, thay đổi cách làm.

Ngoài nâng cao chất lượng đầu vào, Hải còn chú trọng chế biến sâu để nâng giá trị sản phẩm cà phê

Hiện nay, 8 ha cà phê của gia đình Hải mỗi năm thu hoạch khoảng 24 tấn hạt, trong đó có khoảng 5 tấn cà phê chất lượng cao. Phần lớn sản lượng cà phê chất lượng cao đều được Hải chế biến sâu, tạo thành sản phẩm tinh để cung cấp cho thị trường.

Ngoài việc thay đổi thói quen của người thân, Hải còn tổ chức các lớp tập huấn để trang bị kiến thức sản xuất cà phê chất lượng cao cho người dân trên địa bàn. Thời gian qua, có hàng trăm người trồng cà phê đã tham gia các lớp tập huấn do Hải tổ chức.

Hải còn kết nối tiêu thụ cà phê chất lượng cao cho người dân. Trung bình mỗi năm, có khoảng 20 tấn cà phê chất lượng cao của người dân được Hải kết nối để bán ra thị trường.

Hải cũng tiếp nhận, đánh giá các mẫu cà phê do người dân sản xuất, qua đó tư vấn, hỗ trợ giúp bà con có những điều chỉnh phù hợp, nâng cao giá trị hạt cà phê. Cách làm này cũng giúp người dân thay đổi quy trình sản xuất, cách sơ chế, chế biến cà phê sau thu hoạch...

Chú trọng ứng dụng khoa học

Năm 2012, Nguyễn Văn Hảo (SN 1990), tốt nghiệp ngành công nghệ sinh học, Trường Đại học Yersin Đà Lạt (Lâm Đồng). Sau tốt nghiệp đại học, anh Hảo được nhận vào làm việc tại Viện Pasteur Đà Lạt.

Đây là một môi trường làm việc lý tưởng của nhiều người trẻ, nhất là những người thích nghiên cứu khoa học. Thế nhưng, sau thời gian làm việc, anh Hảo lại có quyết định hết sức bất ngờ.

Cụ thể, năm 2019, anh quyết định trở về quê để sản xuất nông nghiệp với gia đình. Quyết định này đã khiến cho người thân, bạn bè hết sức ngỡ ngàng, thậm chí có những dị nghị.

Anh Nguyễn Văn Hảo rời bỏ nghiên cứu khoa học để làm nông nghiệp công nghệ cao

Hảo cho biết, để đưa ra quyết định này, anh nhiều tháng mất ăn, mất ngủ vì suy nghĩ, đắn đo. Cuộc trở về cũng không được người thân chào đón, ủng hộ, bởi đã đi ngược lại với kỳ vọng của họ.

Thế nhưng, với Hảo, việc trở về đã giúp anh tìm được giá trị của chính mình. Anh có những kế hoạch để đưa kiến thức, hiểu biết của mình vào phát triển nông nghiệp.

Đến với nông nghiệp, anh chọn trồng nấm bào ngư để khởi nghiệp. Anh mang theo những kiến thức công nghệ sinh học và 7 năm kinh nghiệm làm nghiên cứu khoa học để phục vụ sản xuất nấm.

Hảo chia sẻ: "Thời điểm đầu trở về, mình gặp vô vàn khó khăn. Gia đình, người thân phản đối, vốn đầu tư phát triển ít, thị trường tiêu thụ mù mờ. Cách làm trại nấm giữa lý thuyết và thực hành có nhiều sự khác biệt".

Chính những khó khăn đó, khiến anh thận trọng hơn trong việc đầu tư, phát triển nấm. Ban đầu, anh đầu tư xây dựng 30m2 giá thể, sản xuất 5.000 phôi nấm/lứa, với chi phí 40 triệu đồng.

Vụ nấm thành công, anh mở rộng quy mô sản xuất lên 80m2, duy trì 10.000 phôi nấm mỗi đợt. Các vụ sản xuất nấm thành công, mang lại thu nhập cao, ổn định, giúp anh dần tạo được niềm tin với gia đình, người thân.

Theo kinh nghiệm của anh Hảo, trồng nấm bào ngư không khó và trồng được quanh năm. Tuy nhiên, đòi hỏi người trồng phải có kinh nghiệm, nắm vững kỹ thuật, theo dõi thường xuyên để có biện pháp xử lý kịp thời các sự cố.

Một trong những yêu cầu quan trọng là khu trồng nấm phải có nhiệt độ thích hợp, thông thoáng, ánh sáng phù hợp, tạo môi trường tốt để nấm phát triển, không mắc các loại bệnh.

Anh Nguyễn Văn Hảo cho biết, trở về làm nông nghiệp đã giúp anh tìm được giá trị của chính mình

Sau 2 năm trở về làm nông nghiệp, kết quả sản xuất của anh Hảo đã đạt được kỳ vọng. Anh đã làm chủ được quy trình sản xuất, chất lượng nấm tốt. Sản phẩm của anh được thị trường chấp nhận.

Ngoài trồng nấm, anh Hảo còn nuôi gà thương phẩm quy mô lớn. Đây cũng là nguồn thu nhập lớn của anh trong vài năm qua. Chăn nuôi gà cũng giúp anh có nguồn phân tốt để chăm sóc cây trồng.

Anh kết hợp phân gà với bã nấm sau thu hoạch để làm phân vi sinh. Cách làm này vừa tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng thu nhập, an toàn sinh học, giúp cây trồng khỏe mạnh.

Thời gian tới, anh Hảo sẽ duy trì trại nấm sản xuất theo hình thức gối đầu để có đủ số lượng nấm để cung cấp cho thị trường. Cùng với đó, anh thực hiện việc xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, tạo chỗ đứng cho sản phẩm trên thị trường.

Trên đây chỉ là 2 trong số rất nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp được giới trẻ áp dụng khá bài bản về ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Họ có kiến thức, tiếp cận khoa học kỹ thuật nhanh, đã, đang góp phần làm thay đổi cách nghĩ, cách làm trong phát triển, sản xuất của người nông dân.

Theo đánh giá chung của các địa phương, những mô hình sản xuất nông nghiệp của giới trẻ đã, đang phát huy được tiềm năng, lợi thế của tỉnh, nâng cao giá trị nông sản thông qua cách sản xuất theo xu hướng bền vững với hàm lượng khoa học kỹ thuật cao.

"Lực lượng trẻ được đào tạo bài bản là nguồn nhân lực hội tụ đầy đủ cả lượng và chất để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và họ cần được quan tâm, hỗ trợ, phát triển nhiều hơn nữa trong thời gian tới", ông Lê Văn Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Mil cho biết.

>> Kỳ 2: Nguồn nhân lực mới cho nông nghiệp công nghệ cao

Đức Hùng