"Làn gió mới" cho nông nghiệp Ðắk Nông (kỳ 2): Nguồn nhân lực mới cho nông nghiệp công nghệ cao

Kinh tế - Ngày đăng : 08:39, 16/11/2022

Giới trẻ làm nông nghiệp đang góp phần làm thay đổi tư duy, cách thức sản xuất của bà con nông dân. Ngành chức năng đánh giá, người trẻ có trình độ là nguồn nhân lực mới, chất lượng, cần thiết cho quá trình phát triển nông nghiệp cao. Thế nhưng, để thu hút được người trẻ làm nông nghiệp, cần có sự đồng hành từ nhiều phía...

Chia sẻ, đồng hành với giới trẻ

Con cái được học hành bài bản, nhưng trở về làm nông nghiệp sẽ gây hụt hẫng cho cha mẹ, người thân. Điều này khiến giới trẻ phải chịu những áp lực lớn khi từ bỏ công việc ở thành phố để trở về làm nông nghiệp.

Chính vì vậy, để giúp giới trẻ tự tin trở về làm nông nghiệp, trước hết cần có sự cảm thông, thấu hiểu, tôn trọng của gia đình, bạn bè, người thân. Thực tế, thời gian qua, có nhiều ông bố, bà mẹ cũng đã chọn cách đồng hành với con khi khởi nghiệp với nông nghiệp.

Bà Lê Thị Lân, ở xã Đắk Lao (Đắk Mil), vẫn nhớ như in ngày cô con út Nguyễn Thị Thu Hương thỏ thẻ với bà sẽ bỏ công việc đang làm ở thành phố để trở về làm nông nghiệp.

Nhắc lại khoảnh khắc ấy, mọi thứ như quay ngược và nguyên vẹn cảm xúc với bà. Bà Lân cho biết: "Khi nghe con quyết định trở về làm nông nghiệp, tôi rất lo lắng. Gia đình cho con ăn học với mong muốn con được làm công việc an nhàn, có mức thu nhập ổn định chứ không phải để làm nông nghiệp".

Nguyễn Thị Thu Hương bỏ việc ở thành phố về làm nông nghiệp vừa thành công, vừa giúp ngành nông nghiệp có nhân lực chất lượng cao

Theo bà Lân, khi làm việc ở TP. Hồ Chí Minh, mức lương của Hương 15 triệu đồng/tháng, trừ chi phí cũng tích lũy được một khoản kha khá. Thế nhưng, bà suy nghĩ rằng, con mình cũng chỉ đi làm thuê, có những vất vả riêng. Từ đó, bà đã tôn trọng quyết định của con.

Để đồng hành với con, bà Lân đã hỗ trợ Hương hơn 600 triệu đồng đầu tư máy móc, xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh cà phê. Bà Lân tâm sự: "Mới đầu, tôi chưa đủ niềm tin với quyết định của con. Nhưng tôi vẫn cho con cơ hội, để giúp con tự tin vươn lên".

Sau thời gian, bà Lân và gia đình bắt đầu đặt niềm tin vào Hương. Bởi những kiến thức và quá trình học tập, giúp Hương có sự tính toán, cân nhắc phù hợp trước khi quyết định công việc.

Kết quả sản xuất, kinh doanh của Hương đã tốt lên, mang lại nguồn thu nhập cao, ổn định. Với kinh nghiệm, kiến thức có được, Hương còn tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho nhiều người trồng cà phê, giúp họ nâng cao chất lượng sản phẩm.

Còn ông Nguyễn Tiến Hùng, bố của Nguyễn Trường Hải (sinh 1988), xã Đức Minh (Đắk Mil), đã gắn bó với cây cà phê hơn 35 năm. Như bao nông dân khác, ông Hùng hiểu rõ việc làm nông vất vả như thế nào.

Do đó, khi thấy con trai Nguyễn Trường Hải chọn về làm nông nghiệp, ông rất hụt hẫng, thất vọng. Ông Hùng chia sẻ: "Đầu tư cho con đi học là để con tìm được công việc ổn định, bớt khổ. Do đó, khi con nói trở về làm nông, chẳng khác gì dội lên đầu tôi "gáo nước lạnh"".

Anh Nguyễn Trường Hải quyết định bỏ công việc ở Viện Pasteur Đà Lạt để làm nông nghiệp và được gia đình ủng hộ

Nhưng rồi, ông Hùng cũng tôn trọng quyết định của con. Ông bỏ 200 triệu đồng đầu tư máy móc, nhà kính, lưới phơi… để Hải có cơ sở phục vụ sản xuất cà phê chất lượng cao.

Năm đó, theo hướng dẫn của Hải, cà phê được ông Hùng hái chín, phơi trên giàn lưới. Hải là người kiểm tra thường xuyên quy trình bảo quản, sơ chế sản phẩm cà phê sau thu hoạch.

Vụ đầu tiên, Hải sản xuất được 3 tấn cà phê chất lượng cao, bán với giá 60.000 đồng/kg, trong khi giá thị trường cao nhất chỉ 32.000 đồng/kg. Từ kết quả khả quan này, ông Hùng càng tin tưởng hơn vào cách làm của con trai.

Ông chủ động tham gia các lớp học do các chuyên gia trong và ngoài nước hướng dẫn cách sản xuất cà phê chất lượng cao để nâng cao kiến thức. Từ đó, ông đã tuyệt đối tin tưởng vào Hải. Ông cũng tự thay đổi cách thức làm nông nghiệp theo hướng tích cực hơn.

Ông Nguyễn Tiến Hùng đã tôn trọng, đồng hành với quyết định của Nguyễn Trường Hải

"Chất xúc tác" cho ngành nông nghiệp

Những năm qua, UBND tỉnh đã giao Tỉnh đoàn thực hiện các chương trình, hoạt động hỗ trợ thanh niên lập nghiệp. Mục đích của tỉnh là kêu gọi, thu hút, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp của giới trẻ.

Tỉnh đoàn đã chủ động liên hệ, kết nối với các trung tâm, các cơ quan, đơn vị trong và ngoài tỉnh triển khai các chương trình hỗ trợ, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, việc làm cho thanh niên.

Tỉnh đoàn đã xây dựng nhiều mô hình khởi nghiệp, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất để khuyến khích, thu hút tầng lớp trẻ tuổi đầu tư làm ăn, phát triển kinh tế.

Tại Đại hội Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Đắk Nông lần thứ III, nhiệm kỳ 2017 – 2022, vấn đề khởi nghiệp cho thanh niên đã được quan tâm đặc biệt, có sự định hướng rõ ràng.

Đại hội đã thông qua 2 đề án lớn giúp thanh niên khởi nghiệp. Trong đó, Đề án thành lập Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp được kỳ vọng là động lực chính để giúp thế hệ trẻ đầu tư, phát triển kinh tế.

Đề án này đã được UBND tỉnh phê duyệt và Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp đã được thành lập. Quỹ này đã giúp thanh niên được tiếp cận nguồn vốn, các kinh nghiệm khởi nghiệp một cách tốt hơn.

Còn Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bền vững theo chuỗi giá trị; tăng sức cạnh tranh, nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm nông nghiệp chủ lực…

Nghị quyết cũng chỉ rõ vai trò nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố quyết định để thực hiện thành công mục tiêu phát triển nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh.

Thời gian qua, để phục vụ phát triển sản xuất, chế biến ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, tỉnh đã chú trọng thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao về phục vụ địa phương.

Anh Trương Văn Bình, Phó Bí thư Tỉnh đoàn cho biết, việc hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh luôn được Tỉnh đoàn quan tâm đặc biệt. Từ đó, kích thích, tạo động lực và đam mê để thanh niên có ý tưởng, định hướng khởi nghiệp phù hợp.

Đặc biệt, những thanh niên có chuyên môn, kiến thức, mong muốn lập nghiệp tại địa phương luôn được Tỉnh đoàn và ngành chức năng quan tâm, hỗ trợ. Bởi vì, họ chính là nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh.

Theo lãnh đạo Sở NN-PTNT, từ các chủ trương của tỉnh, thời gian qua, đã có nhiều thanh niên có trình độ cao trở về quê hương lập nghiệp. Trong đó, nhiều trường hợp đã chọn làm nông nghiệp để khởi nghiệp và mang lại thành công.

Những mô hình, cách làm nông nghiệp của tầng lớp trẻ tuổi đã tạo ra sự khác biệt lớn, có sức lan tỏa trong cộng đồng. Cách làm của họ là "chất xúc tác" để thúc đẩy phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn.

Đức Hùng