Chuyển đổi số nông nghiệp Ðắk Nông (kỳ 2): Chuyển đổi số gắn với chuyển đổi tư duy

Kinh tế - Ngày đăng : 09:05, 22/09/2022

Chuyển đổi số (CĐS) với mục tiêu giúp chủ thể sản xuất, doanh nghiệp, cơ quan quản lý Nhà nước, người dân đổi mới tư duy trong sản xuất nông nghiệp. Từ đó, tạo nên một nền nông nghiệp hiện đại, hiệu quả, bền vững...

Thay đổi cách làm nông nghiệp

Lâu nay, nhiều nông dân có tư duy sản xuất nông nghiệp theo cách đơn giản là sản xuất cái mình có, chưa nghĩ nhiều đến cái thị trường cần. Trong khi đó, vai trò định hướng, quy hoạch, quản lý của các cấp, ngành về nông nghiệp chưa đạt hiệu quả cao.

Điều này dẫn đến tồn tại một nền sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, thiếu liên kết, chất lượng kém. Chính vì thế, hiệu quả kinh tế nông nghiệp thấp, đời sống nông dân không cao, thu nhập không ổn định.

Có thể nói, “phong trào trồng - chặt” là một điển hình cho tư duy sản xuất nông nghiệp lạc hậu. Nhiều người dân đã bỏ cây này trồng cây kia theo cảm tính, nhất là khi giá cả một số nông sản tăng lên, giảm xuống.

Trường hợp của gia đình anh Hoàng Văn Núi, thôn 2, xã Hưng Bình (Đắk R’lấp) là một ví dụ. Anh đã nhiều lần chuyển đổi cây trồng trên 2 ha đất rẫy. Cà phê, cao su, hồ tiêu, điều là những loại cây mà gia đình anh đã canh tác.

Theo anh Núi, anh phải chuyển đổi cây trồng nhiều lần vì giá cả nông sản bấp bênh, ảnh hưởng đến thu nhập của gia đình. Nhiều lần anh trồng được cây này thì giá bán sản phẩm lại xuống thấp.

Chưa kể anh gặp nhiều rủi ro, thiệt hại khác do dịch bệnh, chất lượng cây giống không bảo đảm. Điều này khiến anh liên tục phải "chạy" phong trào trong phát triển cây trồng.

Đắk Nông đã xây dựng được vùng nguyên liệu xoài VietGAP quy mô 283 ha tại huyện Đắk Mil

Theo lãnh đạo UBND tỉnh, từ thực tế sản xuất, việc CĐS phải gắn với việc chuyển đổi tư duy của bà con nông dân, khắc phục được những hạn chế hiện nay. Đó là hạn chế sản xuất nhỏ lẻ, kém chất lượng, chịu ảnh hưởng nhiều của biến đổi khí hậu.

Quá trình này không phải dễ dàng, nhưng nhất định phải thực hiện mới bảo đảm được hiệu quả. Các cấp, ngành, đoàn thể phải áp dụng CĐS để tăng cường hoạt động tuyên truyền, vận động, tập huấn giúp thay đổi tư duy của người dân trong sản xuất nông nghiệp.

CĐS để giúp ngành chức năng triển khai hiệu quả các hoạt động quản lý Nhà nước về nông nghiệp, định hướng sản xuất tốt, xây dựng các mô hình bền vững theo nhu cầu thị trường, gắn với các tiêu chuẩn, chứng nhận.

Về nội dung này, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trọng Yên, CĐS phải theo một hệ thống mà bắt đầu từ người làm công tác quản lý, lãnh đạo, đến người thực thi, doanh nghiệp, nhà nông...

"Các hoạt động CĐS đều phải tính toán cho 10 năm, 20 năm, thậm chí 50 năm tới thì mới mang lại giá trị thật, bền vững”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trọng Yên nhấn mạnh.

Từ năm 2011-2020, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, quyết định về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xây dựng vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tái cơ cấu ngành Nông nghiệp...

Đến nay, Đắk Nông xây dựng được 4 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, với quy mô 2.432 ha. Cụ thể, gồm 2 vùng hồ tiêu tại các xã Thuận Hà, Thuận Hạnh (Đắk Song); vùng trồng lúa tại xã Buôn Choáh (Krông Nô); vùng trồng cà phê tại xã Thuận An (Đắk Mil).

Toàn tỉnh đã xây dựng được 15 thương hiệu, nhãn hiệu tập thể. Thị trường xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp của Đắk Nông đã được mở rộng đến 35 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp của tỉnh những năm gần đây đạt khoảng 720 triệu USD/năm.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trọng Yên: "Các hoạt động CĐS đều phải tính cho 10 năm, 20 năm, thậm chí 50 năm tới thì mới mang lại giá trị thật, bền vững”.

Tuy nhiên, không ít mục tiêu của ngành Nông nghiệp đến năm 2020 vẫn không đạt. Điển hình như mục tiêu tổng quát về “Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, có khả năng cạnh tranh dựa trên nền tảng nông nghiệp sản xuất hàng hóa công nghệ cao, bảo đảm an ninh lương thực và vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu”.

Mục tiêu tái cơ cấu ngành, phát triển vùng ứng dụng công nghệ cao trong giai đoạn 2018 – 2020 cũng chưa được như kỳ vọng. Tỉnh đánh giá, một phần nguyên nhân không đạt các mục tiêu trên là do chưa CĐS kịp thời, hiệu quả.

Tạo quy hoạch, kế hoạch sản xuất hiệu quả

CĐS không ngoài mục đích tạo thị trường cho nông sản Đắk Nông. Qua CĐS, tỉnh sẽ lấy thị trường để điều chỉnh lại sản xuất, kinh doanh nông nghiệp.

Sản xuất nông nghiệp truyền thống có mục tiêu chính là sản lượng. Còn nông nghiệp mới, sản xuất nông nghiệp phải hướng tới mục tiêu vừa đạt sản lượng, vừa đạt chất lượng.

Bà Lầu Kiều Vân, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại xuất nhập khẩu Nghiệp Xuân (Gia Nghĩa) cho biết, Công ty chuyên thu mua, chế biến các sản phẩm trái cây như chanh dây, sầu riêng...

Thế nhưng, Công ty thường xuyên xảy ra tình trạng thiếu nguyên liệu chất lượng. Điển hình như năm 2020, 2021, khi nông dân nhiều nơi gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm vì cung vượt cầu, nhưng Công ty vẫn thiếu hàng sản xuất.

“Vấn đề chúng tôi cần đó là vùng nguyên liệu hàng hóa tập trung, sản phẩm đạt chất lượng. Chất lượng ở đây bao gồm nhiều tiêu chuẩn, nhưng với nhà nông có thể hiểu nôm na là hình thức đẹp, không hư hỏng, không dư lượng chất độc hại ảnh hưởng sức khỏe”, bà Vân cho biết.

Đồ họa: Việt Dũng

Cũng về nội dung này, theo ông Đinh Cao Khuê, Giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Ninh Bình), Công ty đánh giá khá cao về chất lượng các loại nông sản trên địa bàn Đắk Nông.

Quá trình tìm hiểu đầu tư, Công ty thấy rằng để thu hút doanh nghiệp tốt hơn, Đắk Nông cần đẩy mạnh CĐS để xây dựng các vùng canh tác tập trung, tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao.

"Nếu CĐS tốt, tỉnh sẽ khắc phục được tình trạng loại nào cũng có, nhưng mỗi thứ một ít, không có nhiều vùng nguyên liệu chất lượng cao phù hợp với nhu cầu thị trường như hiện nay”, ông Khuê cho biết.

Theo lãnh đạo Sở NN-PTNT, ngành Nông nghiệp sẽ tập trung đẩy mạnh CĐS để hoàn chỉnh cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với lợi thế cạnh tranh và yêu cầu thị trường.

Trong đó, CĐS sẽ giúp ngành Nông nghiệp cơ cấu lại theo các trục sản phẩm từ địa phương, cấp tỉnh và hướng đến cấp quốc gia. Sản xuất nông nghiệp gắn với tăng cường chế biến, ứng dụng khoa học công nghệ.

>>Kỳ cuối: Tạo động lực cho nông nghiệp phát triển

Hồng Thoan