Chuyển đổi số nông nghiệp Ðắk Nông (kỳ cuối): Tạo động lực cho nông nghiệp phát triển

Kinh tế - Ngày đăng : 06:03, 23/09/2022

Chuyển đổi số (CĐS) là động lực cho quá trình phát triển nông nghiệp trong thời kỳ mới, giúp sản phẩm nông nghiệp trở nên minh bạch, bảo đảm chất lượng, tăng giá trị và giảm phí đầu tư.

Tạo sự kết nối đồng bộ

CĐS trong ngành Nông nghiệp sẽ được thực hiện một cách đồng bộ ở nhiều nội dung, phần việc, từ thu thập thông tin đến quá trình nhập dữ liệu.

Từ đó, trên bộ nhớ sẽ tích hợp được nhiều lớp, tầng về các tiềm năng của nông nghiệp Đắk Nông như đất đai, khí hậu, cây trồng, vùng trồng, vùng nuôi, nông hộ, hợp tác xã, doanh nghiệp, kho bãi, giao thông, nhà máy, kênh tiêu thụ…

Qua thời gian CĐS, ngành Nông nghiệp đã xác định được những yếu tố quan trọng nhất. Đó chính là việc kết nối giữa các đơn vị với nhau, gồm: kết nối giữa người dân, doanh nghiệp và thị trường; kết nối giữa người dân, doanh nghiệp, các cơ quan quản lý Nhà nước với thị trường.

Mã QR code truy xuất nguồn gốc sản phẩm ngày càng được nhiều người quan tâm

Phát biểu tại Hội nghị triển khai CĐS nền nông nghiệp Việt Nam vào tháng 6/2021, Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trong số 34 nền tảng số quốc gia vừa được Chính phủ giao phát triển trong năm 2022, có 9 nền tảng phục vụ cho ngành Nông nghiệp.

Ví dụ như nền tảng dữ liệu số nông nghiệp, nền tảng truy xuất nguồn gốc nông sản, nền tảng sàn thương mại điện tử nông nghiệp, nền tảng tối ưu hóa chuỗi cung ứng. Nền tảng được hiểu là một phần mềm ứng dụng cho toàn quốc, cho các tỉnh, nhất là cho các xã và hộ nông dân.

Theo ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở NN- PTNT, khi thực hiện CĐS, Nhà nước quản lý về sản xuất, hỗ trợ chính sách và cập nhật, phân tích, định hướng, dự báo thị trường.

Trong khi đó, người sản xuất sẽ được cung cấp thông tin nhanh chóng, chính xác về kế hoạch sản xuất, vùng sản xuất, quản lý tổ chức sản xuất, khuyến nông, thời tiết, sâu bệnh và thị trường vật tư nông sản, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc.

Doanh nghiệp, hợp tác xã được thông tin về kế hoạch thu mua sản phẩm, thị trường, sản lượng, truy xuất nguồn gốc, hệ thống chế biến, hệ thống đóng gói, hệ thống vận chuyển…

Ông Phạm Tuấn Anh nhấn mạnh: “CĐS là cơ hội, chìa khóa để hiện thực hóa mục tiêu người nông dân sản xuất nông sản chất lượng, với chi phí thấp, nhưng bán ra được giá cao. CĐS cũng hướng đến mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp “minh bạch – trách nhiệm – bền vững”.

Đồ họa: N.Hiền - Hồng Thoan

Những khởi động tích cực

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã có sự khởi động tích cực về CĐS nông nghiệp. Ví dụ như tại trang trại sầu riêng Gia Trung (Gia Nghĩa) nhiều năm nay đã ứng dụng công nghệ tưới nước, bón phân qua hệ thống tưới tự động được kết nối trên điện thoại thông minh.

Chỉ cần vài thao tác đơn giản, chủ trang trại đã có thể đưa được nước tưới từ khoảng cách 1 km lên hệ thống rồi điều tiết đến từng vùng cần tưới, với lượng nước, thời gian cụ thể.

Ông Nguyễn Ngọc Trung, chủ trang trại Gia Trung cho biết, hệ thống này được đầu tư hơn 10 năm trước, vận hành đều đặn, an toàn. Tùy vào nhu cầu, giai đoạn chăm sóc, ông có thể chủ động thực hiện việc phón phân, tưới nước qua hệ thống một cách chính xác.

Cũng nhờ hệ thống này mà ông có thể điều chỉnh sự phát triển bình thường của sầu riêng theo ý mình để tạo ra sản phẩm trái vụ, lệch vụ, bán với giá cao hơn chính vụ.

Hay tại thôn 11, xã Đắk Sin (Đắk R’lấp), gia đình anh Lê Văn Thắng là một trong những người đi đầu trong CĐS để chăn nuôi theo hướng trang trại, quy mô lớn.

Cách đây hơn 10 năm, gia đình đã đầu tư hệ thống chuồng trại kiên cố trên 10.000 m2, thiết kế các ô, chuồng, máng ăn, uống, quạt mát bài bản. Hàng năm, gia đình anh Thắng duy trì nuôi khoảng 800 con heo/lứa; khoảng 2.000 con gà/lứa.

Nhiều nông dân Đắk Nông ứng dụng CĐS để giới thiệu nông sản ngay tại vườn rẫy

Mỗi năm, anh chăn nuôi 2 lứa heo, gà, mang về thu nhập từ 1-2 tỷ đồng. Chăn nuôi với quy mô lớn, nên hai năm nay, anh Thắng đã lắp đặt hệ thống camera theo dõi trang trại.

Việc này đã giúp anh giảm sức lao động, theo dõi được tình hình chuồng trại, vật nuôi, xử lý nhanh chóng những tình huống mất an toàn.

Những năm gần đây, việc truy xuất nguồn gốc nông sản được nhiều hộ dân, hợp tác xã, doanh nghiệp quan tâm. Người tiêu dùng dễ dàng kiểm tra nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm thông qua ứng dụng quét mã vạch (QR code).

Về cơ bản, đến nay, tỉnh đã truy xuất nguồn gốc sản phẩm đối với 5 nhóm nông, lâm, thủy sản, thực phẩm chủ lực và tiềm năng. Xu hướng đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) cũng đang chuyển dịch mạnh mẽ, góp phần rút ngắn khoảng cách từ nơi sản xuất tới nơi tiêu thụ.

Toàn tỉnh hiện có hàng trăm lượt sản phẩm được người dân, doanh nghiệp, HTX đưa lên các sàn thương mại điện tử như OCOP.vn, Voso.vn và Postmart.vn… để quảng bá, tiêu thụ.

Cà phê bột của HTX Tín True Coffee (Krông Nô) đã có mặt trên sàn TMĐT OCOP.vn

Theo ông Hồ Trọng Tín, Giám đốc HTX Tin True Coffee (Krông Nô), HTX đã đưa các sản phẩm cà phê đạt chuẩn OCOP hạng 3 sao lên sàn thương mại OCOP.vn.

Tuy bước đầu việc tiếp cận, mua sản phẩm của người dùng trên sàn TMĐT chưa nhiều, nhưng sự tương tác, tìm hiểu thông tin ngày càng cao. Đó là những tín hiệu rất tốt cho sản phẩm.

Theo ông Tín, TMĐT tạo thêm cơ hội lớn cho doanh nghiệp trong việc đưa các thông tin về quá trình canh tác, vườn rẫy, chế biến, đóng gói... đến với người tiêu dùng.

Từ những thông tin đó, người tiêu dùng có thể thuận lợi trong truy xuất nguồn gốc, kiểm tra được chất lượng sản phẩm. Điều này giúp người dân, doanh nghiệp xây dựng, thuyết phục được niềm tin của người tiêu dùng.

Có thể nói, thực tiễn CĐS nông nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa nhiều. Bởi đây còn là vấn đề khá mới mẻ với nhà nông, doanh nghiệp, hợp tác xã và cả cơ quan chuyên ngành.

Thế nhưng, CĐS đã có những khởi động tích cực, đang là tiền đề cho những định hướng, chiến lược mới cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân.

Hồng Thoan