Phát triển HTX nông nghiệp ở Ðắk Nông (kỳ 2): Cần thêm "trợ lực" cho HTX nông nghiệp

Kinh tế - Ngày đăng : 09:00, 25/10/2022

Xuất phát điểm của các HTX nông nghiệp đa số là nông dân, với nhiều hạn chế, tiềm lực kinh tế hạn hẹp. Do đó, các HTX nông nghiệp rất cần sự quan tâm, chung sức hỗ trợ để phát triển ổn định, bền vững.

"Chung tay" với HTX

Các HTX nông nghiệp được đánh giá hoạt động có hiệu quả. Thế nhưng, để phát triển vượt bậc, các HTX nông nghiệp cần có sự chung sức của các cấp, ngành để hỗ trợ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc.

Theo ông Doãn Gia Lộc, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Krông Nô, thời gian qua, chính quyền địa phương, Hội Nông dân tỉnh đã tích cực hỗ trợ, định hướng phát triển cho HTX Nông nghiệp Buôn Choáh.

Cụ thể, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế từ cây lúa, nhiều năm trước, Huyện ủy, UBND huyện, ngành Nông nghiệp huyện Krông Nô đã định hướng cho nông dân trồng các giống lúa có năng suất, chất lượng cao, áp dụng khoa học, kỹ thuật vào canh tác lúa. Huyện cũng thiết lập, xây dựng vùng sản xuất lúa công nghệ cao tại Buôn Choáh.

HTX Nông nghiệp Buôn Choáh (Krông Nô) được hỗ trợ khá nhiều trong hoạt động sản xuất, kinh doanh

Huyện Krông Nô hỗ trợ HTX tập hợp được nhiều thành viên là cán bộ, đảng viên trên địa bàn. Cụ thể, hiện HTX đã tập hợp được 22 cán bộ, đảng viên sản xuất lúa chất lượng cao.

Trong đó, có 4 đảng ủy viên xã Buôn Choáh, 3 bí thư chi bộ thôn, 3 thôn trưởng, nhiều trưởng, phó các chi hội như nông dân, phụ nữ, ban công tác mặt trận các thôn... Đội ngũ cán bộ, đảng viên đã đóng góp nhiều trí tuệ, công sức, giúp HTX phát triển.

Ông Phạm Xuân Lai, Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp Buôn Choáh cho biết, huyện Krông Nô, Hội Nông dân tỉnh đã hỗ trợ nông dân, HTX về các giống lúa, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất lúa VietGAP cùng nhiều yếu tố khác.

Hiện nay, sản phẩm lúa gạo của HTX đang khẳng định được thương hiệu trên thị trường. "Mới đây, lúa gạo Buôn Choáh được đánh giá là 1 trong 100 sản phẩm nông sản đặc sản của cả nước. Chúng tôi rất vui mừng vì thành quả này. Nó sẽ mở ra cơ hội phát triển cho HTX", ông Lai chia sẻ.

Các HTX nông nghiệp vẫn rất khó tiếp cận nguồn vốn, đất đai, khoa học công nghệ

Tiến sĩ Trần Minh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường cán bộ quản lý NN-PTNT II (Bộ NN-PTNT) cho biết, một số tỉnh như Đồng Tháp, Tiền Giang, Hậu Giang... đã xây dựng rất thành công mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới.

Thực tế, thành công của các tỉnh này không phải ngẫu nhiên mà có. Quá trình thành lập, hoạt động sản xuất, kinh doanh, HTX nông nghiệp của các tỉnh này đều nhận được sự quan tâm đặc biệt của cấp ủy, chính quyền các cấp.

Tại tỉnh Đồng Tháp, các đồng chí lãnh đạo tỉnh nhiều lần xuống tận xã vận động nông dân vào HTX. Trước khi thành lập một HTX nông nghiệp nào đó thì chủ tịch, phó chủ tịch huyện ít nhất 1 tuần xuống vận động nông dân 1 lần, còn trưởng phòng nông nghiệp thì tuần không biết mấy lần.

Ở các tỉnh này, một mô hình HTX ban đầu có từ 300 - 700 người tham gia, nhưng sau đó đã thu hút được từ 1.800 người trở lên. Trong đó, cán bộ các xã, phường, kể cả chủ tịch, bí thư, đều tham gia làm thành viên HTX và vận động người dân cùng tham gia.

"Phải xác định công chức, viên chức khi tham gia làm thành viên HTX không phải để chia lãi, chia lời mà chủ yếu để ủng hộ phong trào. Họ có vai trò dẫn dắt nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất", Tiến sĩ Trần Minh Hải chia sẻ.

Các HTX nông nghiệp cần có thêm cơ chế, chính sách để phát triển vượt bậc

Tạo cơ chế riêng cho HTX

Hiện nay, các HTX vẫn rất khó khăn trong việc tiếp cận các cơ chế, chính sách hỗ trợ như đất đai, nguồn vốn, khoa học kỹ thuật… Theo số liệu thống kê Sở KH-ĐT, từ tháng 4/2014 - 6/2022, trên địa bàn tỉnh chỉ có 60 lượt HTX được vay vốn từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX, Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, với tổng số tiền 16 tỷ đồng.

Cũng trong giai đoạn này, chỉ 15 HTX được hỗ trợ quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; 7 HTX được hỗ trợ chuyển giao máy móc, thiết bị; 7 HTX được hỗ trợ phát triển hạ tầng cơ sở...

Đồ họa: N.T - Thanh Nga

Về giải pháp hỗ trợ HTX nông nghiệp bằng cơ chế, chính sách, Tiến sĩ Trần Minh Hải cho rằng, Đắk Nông nên làm như các tỉnh khác. Theo đó, tỉnh nên dành quỹ đất công cho kinh tế tập thể, tạo các cơ chế riêng cho HTX.

Chẳng hạn như ở tỉnh Đồng Tháp, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành nghị quyết dành đất công cho HTX. Nếu HTX có từ 120 thành viên trở lên thì đủ điều kiện được thuê đất đầu tư, phát triển.

Còn tỉnh Trà Vinh hỗ trợ mỗi HTX 600 triệu đồng phục vụ xây dựng trụ sở làm việc. Tỉnh Hậu Giang hỗ trợ 300 triệu đồng cho mỗi HTX chuyển đổi cơ cấu cây trồng...

Đến nay, cả nước đã có khoảng 30 tỉnh có chính sách đặc thù dành cho HTX nông nghiệp. "Sở KH-ĐT, Sở NN-PTNT nên tham mưu cho UBND tỉnh Đắk Nông trình HĐND tỉnh ban hành các chính sách đặc thù để đẩy mạnh phát triển HTX", Tiến sĩ Trần Minh Hải góp ý.

>>Kỳ 3: Đổi mới, tự thân vận động để phát triển

Thanh Nga