Phát triển HTX nông nghiệp ở Ðắk Nông (kỳ 3): Ðổi mới, tự thân vận động để phát triển

Kinh tế - Ngày đăng : 08:50, 26/10/2022

Cùng với sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, các HTX nông nghiệp cần có sự đổi mới mạnh mẽ về tư duy, chiến lược để phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của Đắk Nông. Trong đó, các HTX cần phát huy tinh thần tự thân vận động, làm chủ khoa học công nghệ để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Nâng cao trình độ quản lý

Nhân lực là nguồn lực quan trọng để các HTX đầu tư, phát triển. Tuy nhiên, một trong những khâu yếu nhất của các HTX nông nghiệp hiện nay là đội ngũ quản lý có năng lực, trình độ chưa cao.

Hạn chế này đã dẫn đến việc các HTX gặp nhiều khó khăn trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thực tiễn tại các HTX nông nghiệp phát triển hiệu quả cho thấy, đội ngũ quản lý đều có trình độ cao, được đào tạo bài bản.

Điển hình như HTX Nông nghiệp hữu cơ Hoàng Nguyên (Đắk Song). HTX đang có 65 thành viên, trong đó 10 người có trình độ đại học. Nhờ tập hợp được nhiều thành viên có trình độ cao, nên HTX hoạt động có bài bản, khoa học, hiệu quả cao.

HTX được đánh giá là “cánh chim đầu đàn” của các HTX nông nghiệp trong tỉnh. Hiện nay, HTX có 195,6 ha hồ tiêu được chứng nhận theo các tiêu chuẩn quốc tế như Nhật Bản, Mỹ, EU...

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh khảo sát tình hình đầu tư sản xuất tại các HTX nông nghiệp

Riêng tính từ đầu năm đến nay, HTX đã xuất bán hơn 200 tấn hồ tiêu hữu cơ, trong đó xuất khẩu trực tiếp sang Ấn Độ 145 tấn, với giá 125.000 đồng/kg, cao hơn nhiều so với giá hồ tiêu thông thường trên thị trường.

Bà Trần Thị Thu, Giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ Hoàng Nguyên cho biết, trong 10 người có trình độ đại học thì có 2 người trong ban quản trị HTX. Những thành viên có trình độ cao đều có nhiều đóng góp về sáng kiến, kế sách, biết tập hợp tinh thần đoàn kết... để đưa HTX phát triển.

Theo Liên minh HTX tỉnh, thời gian qua, các HTX đã chú trọng thu hút, đào tạo cán bộ quản lý có trình độ cao. Chẳng hạn như HTX Nông nghiệp Buôn Choáh (Krông Nô), hiện giám đốc là người có trình độ đại học chuyên ngành quản trị kinh doanh.

Còn HTX Nông lâm nghiệp Nam Hà (Cư Jút) có 2 cán bộ quản lý có trình độ đại học. HTX cũng thuê nhiều kỹ sư nông nghiệp để tư vấn, xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh.

Ông Nguyễn Khải, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết, hàng năm, Liên minh HTX tỉnh và các sở, ngành liên quan cùng với UBND các huyện, thành phố đã mở các lớp tập huấn, đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ quản lý HTX.

Tuy nhiên, sự hỗ trợ này vẫn còn rất hạn hẹp so với nhu cầu thực tế của các HTX. Do đó, các HTX phải tự nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ quản lý, thành viên để đáp ứng nhu cầu phát triển.

Từ năm 2005 đến nay, UBND tỉnh đã hỗ trợ 40 lượt cán bộ quản lý HTX theo học dài hạn tại các trường cao đẳng, đại học, với tổng kinh phí trên 180 triệu đồng. Thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục triển khai các chương trình, kế hoạch để giúp các HTX nâng cao trình độ quản lý, điều hành.
HTX Công Bằng Thuận An chế biến cà phê bột đạt tiêu chuẩn OCOP hạng 4 sao

Tiếp tục "làm mới mình"

Ông Nguyễn Hữu Hạ, Giám đốc HTX Công Bằng Thuận An (Đắk Mil) cho biết, HTX đang đầu tư trồng, chế biến cà phê chất lượng cao, với vùng nguyên liệu trên 250 ha.

Sản phẩm của HTX được UBND tỉnh công nhận đạt OCOP hạng 4 sao. Tuy nhiên, HTX vẫn phải tiếp tục đầu tư về khoa học, công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm hơn nữa.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trọng Yên nhấn mạnh, HTX được Tỉnh ủy, UBND tỉnh xác định có vai trò trung tâm để phát triển nông nghiệp, kết nối nông dân, xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm chất lượng cao, gắn các chương trình mục tiêu quốc gia.

Định hướng của tỉnh là quan tâm phát triển HTX, đẩy mạnh kết nối HTX với doanh nghiệp, hộ nông dân để phát triển chuỗi ngành hàng chủ lực của tỉnh một cách bền vững.

Đồ họa: N.T - Lê Dung

Tỉnh sẽ có các cơ chế, chính sách để phát triển HTX. Tỉnh cũng khuyến khích nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi đứng lên thành lập HTX để hoạt động một cách bài bản, hiệu quả.

Do đó, vai trò, sứ mệnh của HTX là rất lớn. Các HTX phải luôn tự đổi mới mình để tạo ra những động lực mới trong phát triển sản xuất, kinh doanh, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Các HTX phải có sản phẩm xuất khẩu sang các nước như Hàn Quốc, Mỹ, Ấn Độ, châu Âu... HTX phải có giải pháp để đưa sản phẩm ra thị trường và được thị trường chấp nhận.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, Đắk Nông cần đẩy mạnh phát triển HTX để khai thác tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp. Tuy nhiên, để phát triển được, các HTX cũng phải tự đổi mới mình, tránh trì trệ, rơi vào tình cảnh lạc hậu.

​Sản phẩm socola của HTX Nông nghiệp Krông Nô

Theo Tiến sĩ Trần Minh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường cán bộ quản lý NN-PTNT II, giai đoạn tới, HTX phát triển phải tập trung vào “liên kết - hợp tác - thị trường”.

Đắk Nông nên xây dựng thí điểm một số mô hình HTX nông nghiệp có hiệu quả để nhìn nhận, đánh giá đường lối, chính sách phát triển HTX. HTX phải vừa lợi nhuận vừa lợi ích. Nếu HTX chỉ vì lợi nhuận thì nông dân sẽ không vào, không phát huy được bản chất của HTX.

HTX là lối mở cho thành viên, tức là muốn vào lúc nào cũng được, ra lúc nào cũng được. Thành viên các HTX phải đa dạng, tức ngoài nông dân thì có công chức, viên chức, cán bộ, thầy cô giáo… cùng tham gia.

HTX phải phát triển thị trường, dịch vụ từ nội bộ, tức là từ chính thành viên, sau đó mới phát triển ra thị trường khác.

Thanh Nga