Ðắk Nông và mục tiêu phát triển trên 13.000 ha mắc ca
Kinh tế - Ngày đăng : 09:08, 15/11/2022
Theo ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở NN - PTNT, phát triển mắc ca là hoạt động đã được UBND tỉnh, ngành Nông nghiệp chủ trì phối hợp với các sở, ngành, các viện khoa học, hiệp hội mắc ca, các doanh nghiệp thực hiện từ nhiều năm nay.
Cụ thể, UBND tỉnh Đắk Nông đã ký kết hợp tác với Hiệp hội mắc ca Việt Nam để phát triển 8.000 ha mắc ca giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, hai bên hợp tác trồng thuần khoảng 3.000 ha; trồng xen 5.000 ha mắc ca.
Việc phát triển mắc ca dựa trên tình hình quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Cây mắc ca bước đầu được tỉnh đánh giá phù hợp với địa phương, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Tuy nhiên, qua thực tiễn sản xuất mắc ca thời gian qua, tỉnh vẫn cần có sự nghiên cứu, đánh giá thêm nhằm bảo đảm hiệu quả lâu dài cả về sản lượng, chất lượng sản phẩm.
Mắc ca được đánh giá phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng nhiều vùng ở Đắk Nông |
Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, có ít nhất 1 vườn cây mắc ca đầu dòng tại Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Đắk Nông (Gia Nghĩa) hoặc Công ty mắc ca Nữ Hoàng (Tuy Đức). Vườn cây đầu dòng nhằm cung ứng cây giống cho người dân trên địa bàn tỉnh.
Về phát triển diện tích, cùng với xen canh, tỉnh chú trọng từng bước hình thành các vùng sản xuất mắc ca tập trung, gắn với nhà máy chế biến, tiêu thụ sản phẩm, nhất là đối với địa bàn các huyện Tuy Đức, Đắk Glong…
Địa phương đề ra nhiều nhiệm vụ trọng tâm về cơ chế, chính sách, khoa học công nghệ, tổ chức sản xuất, hợp tác phát triển, nguồn vốn đầu tư cho sản xuất, kinh doanh mắc ca.
Tỉnh sẽ gắn vai trò trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương và đơn vị liên quan trong phát triển mắc ca. Trong đó, vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện chủ trương của Nhà nước, đề án về phát triển mắc ca đến năm 2025 phải bảo đảm đồng bộ, phù hợp với thực tiễn.
Đắk Nông thúc đẩy phát triển cây mắc ca theo hướng bền vững, đem lại hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường trên địa bàn tỉnh. Nhất là đối với các huyện có điều kiện phù hợp như Tuy Đức, Đắk Glong.
Sản phẩm mắc ca đã được nhiều cơ sở đầu tư vào chế biến, nhãn hiệu |
Hiện nay, Đắk Nông đang có gần 3.000 ha mắc ca được trồng tập trung chủ yếu tại huyện Tuy Đức (gần 2.000 ha), Đắk Song và Đắk Glong. Trong số này, nhiều diện tích mắc ca đã cho thu hoạch, đạt hiệu quả kinh tế cao.
Bà Phạm Thị Phượng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức cho biết, diện tích mắc ca của huyện chiếm khoảng 65% diện tích mắc ca của toàn tỉnh. Cây mắc ca phù hợp với thổ nhưỡng địa phương, đem lại thu nhập khá, ổn định cho người dân.
Mắc ca là cây lâm nghiệp, rất thích hợp để trồng xen canh, trồng thuần, góp phần tăng độ che phủ rừng. Việc tỉnh quy hoạch Tuy Đức thành vùng phát triển mắc ca tập trung là rất phù hợp.
Đây là cơ sở để địa phương, người dân, doanh nghiệp yên tâm đầu tư mắc ca. Huyện sẽ có các bước đi chắc chắn hơn, coi đây là cây trồng chủ lực để bà con xóa đói, giảm nghèo, làm giàu bền vững.
Theo Sở NN - PTNT, sản phẩm hạt mắc ca hiện nay đã được nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào chế biến, xây dựng nhãn hiệu. Nhiều sản phẩm mắc ca đã đạt chứng nhận OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu.
Tỉnh đang tập trung hỗ trợ các cơ sở đầu tư cho công nghệ, máy móc nhằm nâng cao giá trị sản phẩm; hình thành vùng nguyên liệu mắc ca có đăng ký mã vùng trồng; hướng tới thị trường xuất khẩu.
Theo kế hoạch, diện tích trồng mắc ca trên địa bàn tỉnh Ðắk Nông đến năm 2025 khoảng 6.506 ha; dự kiến đến năm 2030 đạt khoảng 10.923 ha; đến năm 2050 đạt khoảng 13.105 ha. |