Công ty Ðại Thành khai thác giá trị cây dược liệu dưới tán rừng
Kinh tế - Ngày đăng : 08:35, 20/12/2022
Dưới tán rừng bằng lăng hàng chục năm tuổi, những cây sâm bố chính, xáo tam phân, sâm xuyên đá... đang đua nhau mọc lên. Đây là khu vực trồng dược liệu dưới tán rừng của Công ty.
Các loại sâm đã được Công ty trồng hơn 3 tháng, với diện tích trên 3.000m2. Dự kiến, thời gian tới, Công ty sẽ có thêm nhiều mô hình phát triển dược liệu dưới tán rừng tương tự.
Để phát triển mô hình kinh tế này, các giống sâm đều được Công ty khai thác tự nhiên trong lâm phần của mình. Nguồn giống sâm này đã thích nghi với các điều kiện ở đây, nên phát triển tốt.
Vườn ươm sâm bố chính tại Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Đại Thành |
Ông Phan Bá Nhã, Chủ tịch Công ty cho biết, Công ty đã tạo được vườn ươm giống sâm bố chính, xáo tam phân, sâm xuyên đá… Ngoài khai thác các loại sâm trong tự nhiên, Công ty đang ươm giống để vừa phục vụ phát triển nguồn dược liệu, vừa bảo tồn các loài sâm có trên lâm phần đang quản lý.
Hiện Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Đại Thành đang quản lý trên 18.200 ha rừng, đất lâm nghiệp, với 21 tiểu khu. Lâm phần của Công ty nằm trên địa giới hành chính xã Đắk Lao.
Những năm qua, nhờ làm tốt công tác quản lý bảo vệ rừng, tình trạng chặt phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp tại lâm phần do Công ty quản lý được giảm thiểu. Tỷ lệ rừng tái sinh hàng năm của Công ty không ngừng tăng lên.
Theo kết quả khảo sát của Công ty TNHH MTV Ðầu tư phát triển Ðại Thành, có trên 338 loài dược liệu mọc tự nhiên dưới tán rừng của Công ty. Trong đó, có nhiều loại dược liệu quý như: đảng sâm, bình vôi, lan một lá, kim cang gai, sâm bố chính... Công ty xác định, có 70 loài có giá trị thương mại, có thể khai thác. |
Sâm được khai thác có chọn lọc và kết hợp sản xuất rượu |
Năm 2020, Công ty đã bắt đầu sưu tầm các cây giống dược liệu về ươm. Sau khi lên cây con, Công ty đưa vào trồng lại dưới tán rừng. Cách làm này vừa giúp bảo tồn giống cây quý, vừa khai thác thương mại.
Cũng theo ông Phan Bá Nhã, cùng với việc khai thác, Công ty đã xây dựng dữ liệu về cây dược liệu trên lâm phần của mình. Mỗi loại cây dược liệu đều có một công dụng riêng, nên Công ty tìm hướng phát triển, khai thác hợp lý.
"Tôi là người đích thân tìm hiểu, sưu tâm, lưu giữ lại để có thể phát huy tính dược liệu của các loại cây này khi đưa vào sử dụng. Khi hiểu về giá trị của các dược liệu, mỗi người trong Công ty sẽ bảo vệ và phát huy được giá trị của nó", ông Nhã cho biết.
Rượu sâm Đắk Mil được sản xuất, cung cấp ra thị trường, ngày càng được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng |
Hiện nay, từ nguồn nguyên liệu dược liệu sẵn có, Công ty đã khai thác và sản xuất thành công sản phẩm "Rượu sâm Đắk Mil". Loại rượu này sử dụng hầu hết những loại sâm có tại lâm phần của Công ty để chiết xuất ra.
Công ty đã hoàn thành các thủ tục pháp lý và vệ sinh an toàn thực phẩm để cho ra thị trường sản phẩm "Rượu sâm Đắk Mil".
Dù đa phần dược liệu đều thuộc loài thảm thực vật, nhưng Công ty vẫn duy trì quá trình bảo tồn, khai thác có chọn lọc. Điều này không gây ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên, cũng như việc quản lý, bảo vệ rừng.