Tuy Ðức tạo hướng đi mới cho khoai lang
Kinh tế - Ngày đăng : 08:37, 20/12/2022
Tháng 8/2022, huyện Tuy Đức đã ký kết biên bản ghi nhớ với Công ty Cổ phần Viên Sơn (tỉnh Lâm Đồng) về việc liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm khoai lang cho các thành viên thuộc Hội Khoai lang Tuy Đức.
Cùng với đó, huyện Tuy Đức đã triển khai xây dựng các vùng chuyên canh sản xuất khoai lang trên địa bàn 3 xã Quảng Tâm, Quảng Trực và Đắk Búk So, với khoảng 500ha.
Huyện tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn quy trình sản xuất khoai lang bền vững theo quy trình VietGAP, hữu cơ... cho các hộ nông dân, các thành viên trong Hội Khoai lang Tuy Đức.
Ngành chức năng của huyện tổ chức hướng dẫn người dân tăng cường bón phân chuồng, phân hữu cơ vi sinh cho vườn khoai lang; thực hiện việc luân canh để duy trì độ màu mỡ, phì nhiêu của đất.
Huyện Tuy Đức đang nỗ lực để đưa khoai lang tìm lại vị thế vốn có |
Huyện Tuy Đức đã đầu tư xây dựng vườn ươm giống khoai lang quy mô 2.000m2. Vườn ươm này đã nuôi cấy mô thế hệ F1 để tạo ra giống khoai lang Nhật Bản chất lượng cao, cung cấp cho các hộ dân trong vùng.
Việc xây dựng vườn ươm, vườn nhân giống khoai lang còn giúp thay đổi nhận thức, loại bỏ thói quen của người dân trong việc sử dụng lại nguồn giống cũ, kém chất lượng.
Huyện Tuy Đức từng có diện tích khoai lang lên tới gần 3.000ha. Ở thời kỳ "vàng son", khoai lang trở thành cây trồng giá trị cao, thị trường đầu ra luôn ổn định, giúp nhiều người làm giàu.
Thế nhưng, sau thời gian canh tác và không được cải tạo khiến đất đai, giống bị thoái hóa, khoai lang gặp nhiều sâu bệnh, năng suất, chất lượng giảm. Cùng với đó, giá cả không ổn định, khiến người dân Tuy Đức không còn mặn mà với khoai lang.
Điều này khiến cho cây khoai lang ở Tuy Đức dần đánh mất vị thế. Hiện trên địa bàn chỉ có khoảng 900ha khoai lang. Sản phẩm khoai lang cũng giảm dần giá trị.
Trước thực tế đó, huyện Tuy Đức đã kiện toàn Hội Khoai lang huyện Tuy Đức với 30 thành viên. Thông qua Hội Khoai lang, huyện đã hỗ trợ một số thành viên triển khai mô hình trồng 10 ha khoai lang Nhật Bản theo quy trình VietGAP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Tuy Đức được xem là vùng đất phù hợp để hình thành vùng sản xuất khoai lang quy mô lớn ở tỉnh Đắk Nông |
Hiện nay, Cục Sở hữu trí tuệ đã gia hạn nhãn hiệu tập thể "Khoai lang Tuy Đức". Điều này giúp huyện duy trì được thương hiệu sản phẩm khoai lang, tạo cơ hội tìm kiếm thị trường tốt hơn.
Huyện Tuy Ðức đang tìm kiếm, thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất, bao tiêu sản phẩm khoai lang với các hộ nông dân. Huyện chú trọng thu hút các doanh nghiệp đủ mạnh vào xây dựng nhà máy sơ chế, chế biến khoai lang trên địa bàn.
Ông Trần Vĩnh Phú, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức cho biết, để có giải pháp bảo vệ vùng nguyên liệu sản xuất khoai lang trên địa bàn, trong thời gian tới, huyện sẽ bố trí nguồn vốn để xây dựng 1 - 2 vườn nhân giống khoai lang Nhật Bản.
Ngành chức năng của huyện sẽ tích cực vận động, tuyên truyền các hộ nông dân tạm thời chuyển đất trồng khoai lang sang trồng rau xanh (bắp cải, củ cải trắng). Khi đủ điều kiện, các hộ có thể chuyển đổi lại trồng khoai lang, hình thành vùng nguyên liệu như những năm đầu đã thực hiện.
Tuy Đức vận động những người trồng khoai lang liên kết thành lập HTX làm cơ sở để kết nối với các doanh nghiệp. Huyện sớm xây dựng khoai lang thành sản phẩm OCOP.
"Với sự quyết tâm của huyện và ngành chức năng, hi vọng sẽ sớm lấy lại vị thế cho cây khoai lang và tạo được nguồn thu nhập cao cho người trồng khoai", ông Phú nhấn mạnh.