Mã vùng trồng - Ðiều kiện cần cho nông sản xuất khẩu
Kinh tế - Ngày đăng : 10:53, 26/12/2022
Nhà vườn chủ động
Trang trại Natural pearl avocado hass farm’s, xã Quảng Sơn (Đắk Glong) hiện đang trồng 10ha bơ hass, 10ha sầu riêng. Ngay từ khi bước vào sản xuất, trang trại được đầu tư khá bài bản.
Bà Trần Thị Kim Thinh, chủ trang trại cho biết: “Từ năm 2019, chúng tôi đã ký hợp đồng với một đơn vị ở Hà Nội để làm chứng nhận GlobalGAP cho vườn cây. Hiện các sản phẩm tại đây được sản xuất theo quy trình nông nghiệp công nghệ cao”.
Theo đó, hệ thống tưới và châm phân được đơn vị thực hiện tự động theo công nghệ của Israel. Vườn cây ăn trái không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, mà sử dụng chế phẩm sinh học. Nguồn nước cung cấp cho cây trồng được lấy từ tự nhiên, với hồ nổi có trữ lượng 3.000 khối nước sạch qua hệ thống lắng lọc.
Mô hình sầu riêng theo hướng an toàn của Công ty TNHH Thương mại Rồng Đỏ (Đắk R'lấp) |
“Hiện tại, chúng tôi đang mong muốn được đăng ký MVT cho các loại trái cây. Đây là yếu tố giúp phát triển thị trường cho các sản phẩm về lâu dài”, bà Thinh cho biết.
Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Rồng Đỏ (Đắk R’lấp) hiện đang trồng hơn 11ha sầu riêng Ri6, với sản lượng đạt khoảng 80 tấn/ha.
Trong quá trình chăm sóc vườn sầu riêng, Công ty duy trì nền đất sạch, không sử dụng thuốc cỏ để diệt cỏ, giữ cho hệ sinh thái trong vườn cây ở mức tự nhiên.
Công ty đã tiến hành ủ phân chuồng cho tơi xốp, sau đó bón cho cây theo từng thời điểm trong năm, nhằm giữ nền hữu cơ trong đất luôn được tốt. Công ty hướng tới tiêu chuẩn nền nông nghiệp sạch để tìm thị trường xuất khẩu cho sầu riêng.
Hệ thống nước tưới và bón phân nhỏ giọt tại trang trại Natural pearl avocado hass farm’s |
Hình thành vùng sản xuất tập trung
Năm 2022, Đắk Nông đã triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ “Điều tra, đánh giá và xây dựng mô hình sản xuất xoài, bơ, sầu riêng an toàn theo chuỗi giá trị hướng tới xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Đắk Nông”.
Ðến nay, địa phương đã xây dựng được 1 phần mềm hỗ trợ quản lý MVT và website quản lý dữ liệu MVT cho xoài (Cư Jút), bơ (Ðắk Glong), sầu riêng (Ðắk R’lấp).
Theo thạc sĩ Nguyễn Mạnh Hiển, Trưởng Bộ môn Công nghệ bảo quản, Viện Cơ điện nông nghiệp & công nghệ sau thu hoạch (Bộ KHCN), MVT là một điều kiện bắt buộc đối với các thị trường nhập khẩu.
Trái cây Việt Nam nói chung, Đắk Nông nói riêng muốn xuất đi các thị trường quốc tế phải quản lý theo MVT. Một khi trái cây xuất khẩu được quản lý MVT sẽ làm cho doanh nghiệp thuận lợi hơn trong quản lý trang trại, vùng sản xuất.
Quá trình sản xuất, nông dân cần định hướng theo các tiêu chuẩn xuất khẩu |
Theo ông Hiển, thời gian gần đây, ngoài việc tuân thủ quy định của Bộ KHCN đề ra, Đắk Nông đã rất tích cực tuyên truyền, hỗ trợ cho hộ nông dân phát triển cây trồng theo quy mô tập trung và phát triển theo MVT.
Tuy nhiên, thực tế triển khai vẫn còn có một số khó khăn. Trong đó, về mặt diện tích không đủ bảo đảm theo quy định của MVT. Việc trồng xen cũng cần phải được địa phương tuyên truyền, cải thiện trong thời gian tới, giúp cho việc cấp MVT được thuận lợi hơn.
Người trồng phải định hướng trước được việc phải trồng theo quy định chung của các nước nhập khẩu. Trong đó, các hộ sản xuất phải thay đổi tư duy để làm sao xây dựng được một MVT tập trung.