Xuất khẩu Ðắk Nông một năm thắng lớn

Kinh tế - Ngày đăng : 04:58, 02/01/2023

2022 được coi là năm thắng lợi lớn nhất từ trước đến nay về xuất khẩu nông sản của Đắk Nông. Ngoài kim ngạch xuất khẩu đạt mức cao, nhiều mặt hàng của Đắk Nông đã tiếp cận đến thị trường nhiều nước trên thế giới.

Vượt qua thách thức

Theo Sở Công thương, trong năm qua, hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều trở ngại. Nguyên nhân một phần do nhu cầu hàng hóa từ phía các đối tác thương mại lớn như: Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc, Canada, châu Âu... suy giảm đáng kể.

Tình hình lạm phát, suy thoái kinh tế và chiến sự Nga – Ukraine dẫn đến nguy cơ khủng hoảng năng lượng, lương thực trên toàn cầu. Những yếu tố này tạo áp lực lên thu nhập của người dân nhiều nước trên thế giới, khiến cho nhu cầu tiêu thụ hàng hóa nhập khẩu các nước giảm.

Mặc dù vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu của Đắk Nông vẫn nỗ lực phát triển sản xuất, tận dụng tốt cơ hội và những thị trường truyền thống, tìm kiếm thị trường mới.

Cùng với đó, các doanh nghiệp của tỉnh đã khai thác tối đa các hiệp định thương mại để duy trì mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu.

Theo Sở Công thương, toàn tỉnh hiện có 16 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu, với tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng năm đều tăng. Cụ thể, năm 2020, kim ngạch xuất khẩu đạt 800 triệu USD; năm 2021 đạt khoảng 720 triệu USD và năm 2022 đạt khoảng 1.170 triệu USD.

Giá sầu riêng tăng cao nhờ thị trường xuất khẩu chính ngạch rộng mở

Đặc biệt, trong năm, do tình hình dịch bệnh được kiểm soát, chuỗi cung ứng toàn cầu dần được khơi thông, tạo điều kiện cho việc xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của tỉnh. Nhờ đó, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh trong năm 2022 tăng 20,5% so với năm 2021.

Thị trường xuất khẩu hàng hóa của tỉnh hiện được mở rộng đến 35 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Các thị trường xuất khẩu ổn định thuộc các nước thành viên trong Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) như: Singapore, Nhật Bản, Malaysia...

Về thị trường xuất khẩu đối với các sản phẩm chủ lực cũng phong phú. Trong đó, cà phê xuất khẩu sang Singapore, Nhật Bản, Mỹ, Nga, Úc; hạt điều xuất sang Singapore, Indonesa, Úc, Đức, Trung Quốc; hạt tiêu đen xuất sang Singapore, Hàn Quốc...

Rộng đường xuất khẩu chính ngạch

Năm 2022 lần đầu tiên sản phẩm chanh dây của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc. Tiếp đến, sầu riêng cũng được phép xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc thông qua ký kết nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật giữa hai nước. Đây là cơ hội lớn cho doanh nghiệp xuất khẩu của Đắk Nông.

Trong năm qua, Công ty TNHH Thương mại xuất nhập khẩu Nghiệp Xuân (Gia Nghĩa) đã xuất khẩu được khoảng 350 tấn chanh dây cấp đông đi thị trường Trung Quốc, tăng khoảng 15% so với năm ngoái. Với sản phẩm sầu riêng, các đơn hàng xuất khẩu năm nay cũng tăng khoảng 5% so với năm trước.

Nguyên liệu ổn định giúp Công ty cổ phần đầu tư Long Huệ (Tuy Đức) bảo đảm kế hoạch sản xuất

Bà Lầu Kiều Vân, Giám đốc Công ty cho biết, Trung Quốc đã bắt đầu mở cửa cho một số nông sản Việt Nam. Từ đó đến nay, giá chanh dây và sầu riêng không ngừng tăng. Người nông dân được hưởng lợi rất nhiều.

Nếu như năm ngoái, chanh dây múc xuất đi với giá khoảng từ 35.000-37.000/kg thì năm nay, giá tăng dao động khoảng 42.000-45.000/kg. Và tình hình tăng giá này vẫn chưa có dấu hiệu giảm.

Giá sầu riêng cũng tăng trung bình từ 20-30% so với năm 2021. Nhờ vậy, người dân mở rộng diện tích rất nhiều. Cả sầu riêng và chanh dây hiện nay có diện tích trồng mới tăng rất nhanh.

“Dự báo, trong năm tới, các thị trường cũ mà Công ty đang đi, do tình hình dịch bệnh và nhiều yếu tố khách quan, nên hàng hóa sẽ chậm lại. Khách hàng đang xuống đơn chậm và cân nhắc giá. Vì vậy, doanh nghiệp vẫn đang tìm những thị trường mới, với những sản phẩm mới hơn”, bà Vân cho hay.

Sản phẩm cà phê của Đắk Nông đang có mặt ở nhiều thị trường xuất khẩu

Theo đó, những thị trường mới mà Công ty đang hướng tới gồm có: Ấn Độ, Trung Đông, Hàn Quốc, Nhật Bản... Mặc dù là thị trường ngách, nhưng được đánh giá là ổn định hơn.

Để tiếp cận những thị trường này, Công ty đang triển khai thêm sản phẩm mới là mít cấp đông và tiêu. Vừa qua, Công ty đã xuất 9 tấn mít cấp đông đi Ấn Độ và dự kiến năm sau sẽ chú trọng mặt hàng này.

Vượt qua những khó khăn, thử thách do dịch bệnh những tháng đầu năm, Công ty Cổ phần đầu tư Long Huệ (Tuy Đức) đã chủ động nguồn nguyên liệu sản xuất và thị trường xuất khẩu. Từ đó giúp bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động.

Ông Nguyễn Chí Long, Chủ tịch HĐQT Công ty cho biết: năm 2022 thực sự là một năm đầy thách thức đối với các doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhờ làm tốt công tác dự đoán, dự báo, chủ động tìm kiếm đơn hàng, nên hoạt động xuất khẩu rất thuận lợi.

Sản xuất chanh dây xuất khẩu tại Công ty TNHH Thương mại xuất nhập khẩu Nghiệp Xuân (Gia Nghĩa)

Đặc biệt, sản phẩm chanh dây cấp đông đã được mở rộng thị trường giúp cho hoạt động sản xuất ổn định hơn. Nhờ đó, trong năm 2022, Công ty đã xuất được 10.000 tấn chanh dây tươi và múc. Doanh số này vượt gần gấp đôi so với năm ngoái.

Trong năm, Công ty đã liên kết trồng hơn 100ha chanh dây theo quy chuẩn xuất khẩu, với năng suất đạt 30 tấn/ha. Cộng với giá chanh dây xô tăng từ 13.000 đồng/kg lên khoảng 18.000 đồng/kg đã giúp bà con yên tâm sản xuất. Công ty cũng không còn lo lắng về nguồn nguyên liệu cung ứng cho nhà máy…

Để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng giá trị xuất khẩu trong năm tới, tỉnh đã yêu cầu ngành, địa phương bám sát, dự báo tình hình để tập trung triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong hoạt động xuất khẩu, khơi thông thị trường.

Các vấn đề có thể phát sinh sẽ được cảnh báo sớm để bảo đảm hoạt động xuất khẩu tiếp tục giữ đà tăng trưởng bền vững.

Lê Dung