Ðoàn đại biểu Quốc hội tỉnh góp ý Dự thảo Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật

Chính trị - Ngày đăng : 09:40, 30/10/2013

Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông góp ý Dự thảo Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII.

Về giải thích từ ngữ (Ðiều 3 dự thảo Luật):

- Ðề nghị sửa đổi việc giải thích từ “thực vật” trong khoản 1: “1. Thực vật là cây và sản phẩm của cây”  thành câu như sau: “1. Thực vật: từ thực vật trong Luật này được dùng bao gồm cả thực vật và sản phẩm thực vật”.

Lý do đề nghị sửa đổi vì định nghĩa từ “thực vật” như trong dự thảo là không hợp lý, “cây” và “sản phẩm của cây” là 2 từ riêng biệt, không cùng nghĩa, thực vật không phải là sản phẩm của cây, chỉ có thể nêu là trong dự thảo Luật này, khi nói đến thực vật thì được hiểu là nói đến cả thực vật và sản phẩm thực vật (Cụm từ này sử dụng nhiều trong dự thảo Luật).

- Ðề nghị sửa đổi các định nghĩa về các cụm từ Vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật, chủ vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật ở các khoản 10, 11 bằng các định nghĩa về các từ vật thể, chủ vật thể.

Vì ở các định nghĩa ở các khoản 10, 11 thực chất là định nghĩa về vật thể, chủ vật thể chứ không chính xác là định nghĩa về vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật, chủ vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật.

- Ðề nghị sửa đổi các định nghĩa ở các khoản 12, 14, 15, 21: “12. Phân tích nguy cơ dịch hại là …”, “ 14. Kiểm tra vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật là …”, “ 15. Xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật là …”, “21. Sản xuất thuốc bảo vệ thực vật bao gồm …”, nên bỏ hoặc đưa vào các chương, các điều tương ứng với các hoạt động trên và xem nó như một quy định thì hợp lý hơn.

Vì ở các định nghĩa ở các khoản 12, 14, 15, 21 là mô tả một quá trình hoạt động, một qui trình làm việc … không khó hiểu nên không cần định nghĩa.

- Ðề nghị thay các từ “sản phẩm” bằng các từ “thuốc bảo vệ thực vật” ở các định nghĩa về thuốc bảo vệ thực vật kỹ thuật, thuốc bảo vệ thực vật thành phẩm, thuốc bảo vệ thực vật sinh học (các khoản 17, 19, 20) vì dùng từ sản phẩm ở đây là không chính xác, mà chính là từ thuốc bảo vệ thực vật đã được định nghĩa ở khoản 16 ngay trước đó.

Về chính sách của Nhà nước về hoạt động bảo vệ và kiểm dịch thực vật (Ðiều 5 Dự thảo Luật):

Một trong những mục đích trong công tác bảo vệ và kiểm dịch thực vật cũng chính là mục đích của hoạt động KH&CN (phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân), do đó chính sách của Nhà nước về hoạt động bảo vệ và kiểm dịch thực vật phải được thống nhất với chính sách của Nhà nước về phát triển KH&CN ở Luật KH&CN (sửa đổi).

Các chính sách trên của Nhà nước Luật KH&CN (sửa đổi) chưa được thể hiện rõ ràng, nhất quán trong dự thảo Luật BV&KDTV này, vì vậy tôi có đề nghị hiệu chỉnh lại điều này của Dự thảo Luật để 2 Luật thống nhất, phù hợp, việc hiệu chỉnh này rất cần thiết vì có liên quan đến vấn đề 4 tôi sẽ đề cập dưới đây.

Về phòng, chống sinh vật gây hại thực vật (Chương II Dự thảo Luật):

- Ðề nghị đổi tên tiêu đề của chương này là hoạt động bảo vệ thực vật để nội dung trong dự thảo luật về vấn đề này thống nhất về từ ngữ, ngắn gọn trong việc diễn đạt vì từ bảo vệ thực vật đã được định nghĩa rõ ở khoản 2 Ðiều 3 dự thảo Luật rồi (“2. Bảo vệ thực vật là hoạt động phòng, chống sinh vật gây hại thực vật.”).

- Tương tự cần đổi tiêu đề một số Ðiều ở Dự thảo Luật cho thống nhất về từ ngữ và đầy đủ nội dung hơn trong toàn bộ dự thảo Luật, cụ thể:

+ Ðổi tiêu đề Ðiều 14: “Yêu cầu phòng, chống sinh vật gây hại thực vật” bằng tiêu đề: ““Yêu cầu về hoạt động bảo vệ thực vật”

+ Ðổi tiêu đề Ðiều 15: “Quyền và nghĩa vụ của chủ thực vật” bằng tiêu đề: “Quyền và nghĩa vụ của chủ vật thể”

Về vấn đề khác: việc kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong thực vật và sản phẩm thực vật:

Trong dự thảo Luật lần này, đã có hiệu chỉnh, bổ sung một số quy định về trách nhiệm của người sử dụng thuốc; về chế tài đối với người sử dụng thuốc sai quy định (khoản 2 Ðiều 15; khoản 2 Ðiều 72); về cơ quan thực hiện việc kiểm tra, quản lý về việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (khoản 2 Ðiều 8).

Vấn đề kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong thực vật và sản phẩm thực vật (nguyên nhân chính là do sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đúng thời gian cách ly, không đúng liều lượng) đã được nêu trong các điều trên là quá mờ nhạt, không thuyết phục.

Dự thảo Luật không chỉ rõ được một “đối tượng đặc biệt” trong Luật này: người sử dụng thuốc BVTV cũng chính là người sản xuất thực vật và sản phẩm thực vật (và nhiều người lại đóng cả vai trò người buôn bán), do đó trong Luật nêu về vấn đề quản lý thuốc BVTV từ khâu nhập khẩu, xuất khẩu, sản xuất, đăng ký, khảo nghiệm, buôn bán thuốc BVTV … rất đầy đủ, rất công phu … trong khi đó, vấn đề liên quan đến quản lý chất lượng thực vật và sản phẩm thực vật trên thị trường thì đưa ra một số quy định quá mờ nhạt, khó khả thi như trên. Phải thấy rằng hoạt động kiểm tra, quản lý dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong nông sản là hoạt động quá rộng, khó hơn quá nhiều so với việc quản lý thuốc BVTV; kiểm tra, quản lý hoạt động dịch vụ BVTV, buôn bán …

Do đó, nếu trong dự thảo Luật đưa ra một trong những quy định về nghĩa vụ của người sử dụng thuốc BVTV là: “b) Tổ chức, cá nhân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phải thực hiện nguyên tắc bốn đúng: đúng thuốc, đúng lúc, đúng liều lượng và nồng độ, đúng cách; phải tuân thủ đúng thời gian cách ly đúng với hướng dẫn ghi trên nhãn thuốc;” (điểm b khoản 2 Ðiều 72) và đưa ra quy định về chế tài đối với người sử dụng thuốc sai quy định là: “g) Bồi thường thiệt hại do sử dụng thuốc không đúng quy định.” (điểm g khoản 2 Ðiều 72) và cơ quan thực hiện việc kiểm tra, quản lý, xử lý vi phạm về việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật là UBND cấp xã phối hợp với cơ quan chuyên ngành về BV&KDTV (điểm c khoản 2 Ðiều 8) thì có lẽ sau một thời gian Luật được ban hành các quy định trên có lẽ chỉ nằm trong giấy.

Như vậy trong dự thảo Luật cần phải nêu rõ được vấn đề này và có các biện pháp quyết liệt để loại trừ ảnh hưởng của dư lượng thuốc bảo vệ thực vật quá cao trong đời sống. Ðây là một vấn đề quá khó để thực hiện, cần có các biện pháp sử dụng nguồn lực đầu tư lớn... chẳng hạn như nhanh chóng ứng dụng công nghệ sinh học vào công tác BVTV, đẩy mạnh xây dựng các vùng trồng rau sạch, xóa bỏ cách trồng rau không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm như hiện nay... Chính vì vậy ở góp ý lần này tôi có đề nghị cần có sửa đổi về chính sách của Nhà nước về hoạt động bảo vệ và kiểm dịch thực vật phải được thống nhất với chính sách của Nhà nước về phát triển KH&CN ở Luật KH&CN (sửa đổi) như trên để các quy định trên có tính khả thi, mà khi sửa đổi về chính sách của Nhà nước về hoạt động bảo vệ và kiểm dịch thực vật sẽ đi theo việc sửa đổi về trách nhiệm quản lý nhà nước của Chính phủ, các bộ và cơ quan ngang bộ (Ðiều 7), trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp (Ðiều 8), hệ thống cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật (Ðiều 9).