Tuổi trẻ Tuy Ðức góp sức xây dựng quê hương

Chính trị - Ngày đăng : 08:48, 20/12/2022

Kế thừa, phát huy truyền thống Anh hùng N'Trang Lơng, nhiều bạn trẻ trên địa bàn huyện Tuy Đức nỗ lực trong phát triển kinh tế, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Nỗ lực trong phát triển kinh tế

Năm 2019, anh Điểu Cương, thôn 2, xã Đắk Búk So, sau một thời gian tìm tòi, học hỏi đã mạnh dạn chuyển đổi, thay thế hơn 1ha cà phê truyền thống qua giống cà phê TR4. Nhờ được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, rẫy cà phê của gia đình anh luôn xanh tốt, năng suất, sản lượng cao. Trung bình mỗi năm, gia đình anh thu được từ 4 - 5 tấn cà phê nhân. Từ thành công bước đầu, hiện nay, anh đang tiếp tục trồng thử nghiệm dòng "cà phê dây" và xen canh các loại cây ăn trái như bơ, quýt và nuôi thêm các loại gia cầm. Sau khi trừ chi phí, hằng năm gia đình thu nhập 50 - 100 triệu đồng.

Anh Điểu Cương tâm sự: "Tôi luôn nghĩ, làm sản xuất nông nghiệp, nếu không chịu khó tìm tòi và mạnh dạn đưa những cái mới, tiến bộ vào sản xuất thì hiệu quả không cao. Tôi rất vui khi bước đầu, mô hình thành công. Đây là động lực để tôi tiếp tục cố gắng”.

Dùng nguyên liệu sẵn tại địa phương anh Triệu Văn Thượng, thôn Doãn Văn, xã Đắk R'tíh đã làm ra các bộ bàn ghế bằng tre nứa vừa phục vụ sinh hoạt vừa bảo vệ môi trường. Trước đây, anh làm công nhân ở nhà máy chế biến gỗ lớn tại Bình Dương, sau đó lập gia đình, về Đắk R'tíh sinh sống. Là địa phương có nguồn tre nứa dồi dào, anh Thượng nghiên cứu làm ra các bộ bàn ghế để phục vụ gia đình và khách có nhu cầu, góp phần nâng cao thu nhập.

Câu lạc bộ “Duy trì và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc M’nông” thuộc Đoàn xã Đắk R’tíh, góp phần nâng cao nhận thức cho giới trẻ về bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc

Bảo tồn văn hóa dân tộc

Câu lạc bộ (CLB) “Duy trì và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc M’nông” xã Đắk R’tíh được thành lập, thu hút được đông đảo các bạn trẻ tham gia. Định kỳ mỗi quý, Đoàn xã tổ chức một buổi sinh hoạt với chủ đề bảo tồn văn hóa dân tộc. Tại đây, các bạn trẻ được hướng dẫn diễn tấu cồng chiêng, nhạc cụ truyền thống, làn điệu dân ca dân vũ, làm rượu cần, dệt thổ cẩm…từ đơn giản đến phức tạp.

Còn Nghệ nhân Thị Ai, người được mời làm "cô giáo" đứng lớp vui vẻ nói: “Được sinh ra và lớn lên trên quê hương Anh hùng N'Trang Lơng, tôi rất tự hào và cảm thấy mình phải làm một điều gì đó cho quê hương, xứng đáng là thế hệ trẻ tiếp bước cha anh. Do đó, tôi đã nhận lời hướng dẫn các cháu đánh cồng chiêng. Tôi mong, các cháu sau này luôn giữ gìn để tiếng cồng, tiếng chiêng luôn âm vang trên quê hương Anh hùng N’Trang Lơng, trong các lễ hội, sự kiện lớn của địa phương”.

Nhóm P.V