Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm chuyển đổi số
Thời sự - Ngày đăng : 15:46, 25/12/2022
Tại điểm cầu Đắk Nông, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Văn Chiến cùng các đại biểu tham dự Hội nghị.
Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu Đắk Nông |
Qua 1 năm triển khai thực hiện Đề án 06 về Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia, giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030, các mục tiêu cơ bản có tính chất nền tảng đã cơ bản đạt được.
Cụ thể, Đề án đã hoàn thành 11/24 mục tiêu, đang tập trung thực hiện 13 mục tiêu còn lại; hoàn thành 47/89 nhiệm vụ. Đề án đã được triển khai theo hướng đi vào nội dung cụ thể, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Những kết quả nổi bật của Đề án như: có gần 155.000.000 hồ sơ đồng bộ trạng thái xử lý trên cổng dịch vụ công quốc gia; đã kết nối chính thức 12 đơn vị, bộ ngành, 1 doanh nghiệp Nhà nước, 3 doanh nghiệp viễn thông và 31 địa phương; ngành công an cung cấp 227/227 dịch vụ công trực tuyến, cấp 76.000.000 thẻ căn cước công dân…
Năm 2022, Ủy ban quốc gia về CĐS được giao 107 nhiệm vụ. Trong đó, các bộ, ngành Trung ương đã hoàn thành 42/44 nhiệm vụ; 59/63 địa phương đã hoàn thành nhiệm vụ.
Mạng truyền số liệu chuyên dụng của các cơ quan Đảng, Nhà nước kết nối 4 cấp hành chính đã kết nối đến 100% huyện, xã toàn quốc. Có 860.000 giao dịch thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia. Trung bình 1 ngày có 2,36 triệu giao dịch.
Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai một số người đứng đầu chưa quyết liệt chỉ đạo, chưa kiểm tra, giám sát, đôn đốc những nhiệm vụ đề ra trong Đề án 06.
Sự vào cuộc của hệ thống chính trị trong thực hiện Đề án 06 chưa quyết liệt, có tình trạng khoán trắng cho lực lượng công an. Một số địa phương còn chờ đợi sự triển khai, hướng dẫn của ngành dọc Trung ương…
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính gợi mở một số nội dung để triển khai thực hiện CĐS trong thời gian tới. Trong đó, cả nước tập trung xây dựng trung tâm dữ liệu quốc gia và các công cụ, thiết chế để quản lý dữ liệu.
Các bộ, ngành, địa phương thường xuyên kiểm tra, đánh giá để tránh hình thức, tránh bệnh thành tích trong CĐS. Việc CĐS phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, mục tiêu và động lực.
CĐS để người dân, doanh nghiệp hưởng lợi từ dịch vụ công, tiện ích xã hội thuận tiện hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn. Chính người dân, doanh nghiệp tạo ra nguồn lực để phát triển CĐS. Để làm được như thế, mọi chính sách phải hướng về người dân.