Tương lai của những mẫu xe bay

Công nghệ - Ngày đăng : 17:13, 14/11/2022

Từ những năm đầu của thế kỉ 21, những mẫu ôtô tích hợp cánh máy bay đã dần được nhiều nhà sản xuất đầu tư và phát triển.

Chiếc taxi bay từ nhà sản xuất Boeing. Ảnh: Boeing

Nếu trước đây, những chiếc ôtô "có cánh" chỉ xuất hiện trong những bộ phim khoa học viễn tưởng. Thì chỉ trong vài năm trở lại đây, hàng loạt các mẫu xe bay được thử nghiệm khắp thế giới mang lại niềm tin về những mẫu ôtô nặng vài tấn có thể bay lượn trên không.

Tham vọng về những chiếc xe bay

Năm 2011, chiếc ôtô bay đầu tiên được các nhà chức trách cấp phép cho sử dụng xuất hiện tại Mỹ. Hãng Terrafugia đã trình làng mẫu ôtô tên "Transition" có chiều dài 5,8m và chiều ngang khoảng 1,8m. Xe được trang bị hệ thống cánh quạt, khi "biến hình" có thể dài khoảng 8,2m.

Mô hình chiếc Transition thế hệ đầu tiên tại Mỹ. Ảnh: CNBC

Mẫu xe được hãng Terrafugia Transition niêm yết với mức giá 279.000 USD. Tuy nhiên đến gần một thập kỷ sau, Transition mới có thể chính thức nhận đơn đặt hàng sau hàng loạt các rào cản về giấy phép.

Liên tục những năm sau đó, các nhà sản xuất ôtô và tập đoàn công nghệ đầu ngành đã thay nhau phát triển và cho ra đời hàng loạt các mẫu xe bay, mang giấc mơ về một tương lai nơi con người có thể dễ dàng làm chủ bầu trời.

Aeromobil - một công ty đến từ Slovakia - đã cho ra mắt mẫu ôtô bay với nhiều công nghệ tiên tiến vào năm 2014. Theo thông tin từ Stefan Klein - thiết kế trưởng, đồng sáng lập của Aeromobil - mẫu ôtô bay này có thể di chuyển được đến 690 km với vận tốc cất cánh khoảng 145 km/h.

Aeromobil được thiết kế có khả năng di chuyển đến 690km. Ảnh: Aeromobil

Đến năm 2017, một số công ty tại Châu Á cũng cũng khởi động cuộc đua sản xuất ôtô bay, khởi đầu với chiếc SkyDrive của Nhật Bản. Cũng trong năm 2017, Boeing, Airbus, Hyundai và Toyota cũng lên tiếng về việc phát triển công nghệ xe bay.

Năm nay, Xpeng Aeroht - công ty con của hãng xe điện XPeng (Trung Quốc) đã thử nghiệm thành công mẫu xe bay mang tên X2 tại Dubai. X2 được XPeng Aeroht chế tạo để có thể di chuyển trên không khi cần tham quan thành phố hoặc dùng cho mục đích y tế.

X2 là mẫu ôtô bay thế hệ thứ 5 được phát triển bởi XPeng Aeroht. Xe "bay" được thiết kế với 2 chỗ ngồi và được trang bị cả chế độ bay truyền thống lẫn tự động.

Gần đây nhất, hãng này cũng đã cho ra phiên bản mới nhất của mẫu xe bay với tên gọi X3. Mẫu xe được kỳ vọng là ôtô bay đầu tiên trên thế giới có thể cất cánh và hạ cánh thẳng đứng mà không cần chạy đà. Đây có thể coi là sản phẩm mang hi vọng trong thời điểm nhiều nước luôn gặp phải tình trạng kẹt xe, ùn tắc giao thông kéo dài.

Chiếc X2 từ công ty XPeng Aeroht được thử nghiệm thành công tại Dubai. Ảnh: XPeng Aeroht

Ngành công nghiệp này đã phát triển mạnh mẽ trong những năm qua. Theo thống kê từ công ty Dịch vụ tài chính toàn cầu Morgan Stanley, tính đến năm 2040, ngành công nghiệp sản xuất ôtô bay có thể đạt giá trị thị trường lên đến 1.000 tỷ USD.

Vô vàn khó khăn

Tuy nhiên có thể thấy, công nghệ tự hành an toàn cho phương tiện bay, thiết kế kỹ thuật và giấy phép là những thử thách lớn trong ngành công nghệ mới này khiến nhiều "ông lớn" dừng chân. Không ít cuộc thử nghiệm đã thất bại, dẫn đến tai nạn khiến một số mẫu xe được trì hoãn thời gian mở bán, gây thiệt hại hàng triệu USD.

Chỉ một năm sau khi ra mắt, chiếc Aeromobil khi đang thử nghiệm ở khu vực gần sân bay Nitra Janíkovce thuộc Slovakia đã bất ngờ gặp sự cố và rơi từ độ cao 300m xuống mặt đất. May mắn, không có thiệt hại về người nào trong vụ tai nạn, tuy nhiên điều đó cũng khiến thời gian và khả năng mở bán mẫu xe này trở nên lung lay.

Hình ảnh chiếc Aeromobil gặp tai nạn, gãy cánh trong buổi thử nghiệm. Ảnh: AVWeb

Kitty Hawk - hãng xe bay của nhà đồng sáng lập Google, Larry Page - được coi là một trong số những công ty tiềm năng trong ngành sản xuất ôtô bay đã từng cho ra mắt mô hình ôtô bay dành cho một người lái có tên "Flyer".

Trong cuộc phỏng vấn với CNBC vào năm đó, Larry Page - chủ tịch Kitty Hawk đã công bố mẫu xe có được sử dụng vào năm 2023. Vào 2019, công ty cũng tuyên bố đã hợp tác với nhà sản xuất máy bay hàng đầu thế giới Boeing.

Đến năm nay, hãng ôtô bay tiềm năng này cũng đã phải tuyên bố dừng hoạt động do nhiều khó khăn từ ngoại cảnh.

Theo Wang Yanan, tổng biên tập của tạp chí Aerospace Knowledge, tương lai ôtô bay được phổ biến cần thêm 10-15 năm. Ở giai đoạn đầu, những sản phẩm này cần được sử dụng ở những vùng nông thôn, ít dân cư.