Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại của Việt Nam: Dân ca ví, giặm Nghệ - Tĩnh

Đất nước con người - Ngày đăng : 14:51, 05/05/2022

Ví, giặm là hai lối hát dân ca không nhạc đệm, được thực hành trong lao động và đời sống thường nhật của người dân hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh: lúc ru con, khi làm ruộng, chèo thuyền, lúc dệt vải, xay lúa… Vì vậy, ví, giặm diễn xướng theo ba hình thức: hát lẻ, hát đối, hát cuộc.

Trung tâm của di sản ví, giặm ở các làng nằm hai bên bờ sông Lam và sông La như làng Kim Liên, Bồi Sơn (Nghệ An), Thạch Việt, Trường Lưu (Hà Tĩnh)…

Mỗi cuộc hát thường có ba chặng: hát dạo, hát đối và hát xe kết. Ca từ bằng thể thơ lục bát, song thất lục bát, lục bát biến thể (hát ví), 5 chữ (hát giặm). Ca từ của dân ca ví, giặm có nội dung đa dạng, miêu tả cuộc sống, phản ánh tập quán xã hội, lịch sử, tình yêu quê hương, đất nước, con người, tình yêu đôi lứa. Nhiều bài hát mang tính giáo dục sâu sắc: kính trọng cha mẹ, chung thủy, nghĩa tình, trung thực, góp phần gìn giữ các tập tục, truyền thống tốt đẹp trong ứng xử xã hội ở làng xã.

Các lối hát gọi tên theo các hoạt động như ví phường vải, ví đò đưa, ví phường nón, giặm ru, giặm kể, giặm khuyên,…

Dân ca ví, giặm chiếm vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của người Nghệ Tĩnh nên rất phổ biến trong đời sống, trong các cuộc vui, lễ hội, liên hoan, giao lưu giữa các nhóm cộng đồng, và còn được khai thác thành các trình diễn nghệ thuật trên sân khấu. Ngày 27/11/2014, UNESCO chính thức vinh danh Dân ca ví, dặm Nghệ - Tĩnh của Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Các nghệ nhân nỗ lực làm sống lại điệu hát ví, giặm

H’Mai (th)

H’Mai (th)