Bảo đảm an ninh mạng để chính quyền số hoạt động thông suốt

Công nghệ - Ngày đăng : 08:33, 22/12/2022

An toàn, an ninh mạng (ATANM) được xem là một trong những vấn đề rất quan trọng để thúc đẩy chuyển đổi số. Ngành chức năng tỉnh Đắk Nông đang đẩy mạnh các biện pháp bảo đảm ATANM, góp phần chuyển đổi số.

Nhiều mối đe dọa

Để bảo đảm hệ thống chính quyền số hoạt động thông suốt, tỉnh Đắk Nông luôn chú trọng tới công tác bảo đảm ATANM. Đặc biệt, tại Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh luôn được bảo đảm an toàn, hạn chế tối đa các cuộc tấn công mạng.

Toàn tỉnh hiện trang bị được phần mềm bản quyền tập trung phòng chống mã độc. Qua đó giúp bảo vệ máy chủ, máy trạm trong các cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã.

Phần mềm có chức năng phản ứng kịp thời trong việc phát hiện, phân tích và gỡ bỏ mã độc hại; đồng thời, có thể chia sẻ thông tin, dữ liệu thống kê tình hình lây nhiễm mã độc với hệ thống kỹ thuật của Bộ TT-TT.

Đến nay, Đắk Nông đã triển khai kiểm tra, đánh giá ATANM cho 20/27 sở, ngành và UBND cấp huyện, đạt tỷ lệ 74%. Số lượng hệ thống thông tin đã được phê duyệt là 49/67, đạt tỷ lệ 76%.

Tỉnh đã triển khai Hệ thống giám sát điều hành ATANM (SOC) cho 15/15 máy chủ vật lý và 68/69 máy chủ ảo hóa tại Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh.

Diễn tập thực chiến phòng chống tấn công mạng giúp nâng cao năng lực cho đội ngũ quản trị mạng toàn tỉnh

Tổng số máy tính trong các cơ quan, đơn vị, địa phương hiện được triển khai phần mềm phòng, chống mã độc tập trung của tỉnh là 930 máy tính, đạt tỷ lệ khoảng 28%.

Hệ thống giám sát mã độc tập trung kết nối và chia sẻ dữ liệu thường xuyên với hệ thống giám sát an toàn thông tin mạng quốc gia. Nhờ đó, trong những năm qua, Đắk Nông chưa ghi nhận cuộc tấn công lớn nào vào hệ thống chính quyền điện tử.

Tuy nhiên, theo thống kê, địa phương vẫn ghi nhận những đợt tấn công vào các lỗ hổng trên các hệ thống cũ, chưa được nâng cấp vá lỗi…

Theo rà soát của Bộ TT-TT, năm 2021, Đắk Nông ghi nhận 10 địa chỉ IP public phát hiện có kết nối mạng IP botnet hoặc trong danh sách blacklist đã được xử lý, loại bỏ mã độc.

Chủ động ứng phó

Theo ông Nguyễn Đỗ Hạnh, Phó Trưởng Phòng Cơ yếu - CNTT (Văn phòng Tỉnh ủy), các hệ thống mạng trên địa bàn tỉnh cũng như Văn phòng Tỉnh ủy khi triển khai trên server vẫn chưa thể hiểu được cách tấn công từ đội ngũ hacker.

Tuy nhiên, qua buổi diễn tập thực chiến phòng chống tấn công mạng diễn ra vừa qua đã giúp các cán bộ, kỹ thuật viên toàn tỉnh biết được một số phương án tấn công của hacker và cách phòng chống.

Để bảo vệ thông tin cá nhân, người dùng không nên đăng nhập tự động, lưu tự động

Đợt diễn tập đã cung cấp một cái nhìn khác để đội ngũ quản trị mạng tham mưu cho các cấp lãnh đạo triển khai công tác bảo đảm ATANM được tốt hơn.

Ông Hạnh cho biết: “Đối với cán bộ công chức, người dùng phải luôn bảo mật thông tin cá nhân. Việc đăng nhập không nên tự động, lưu tự động mà phải nhập từng lần. Trong trường hợp có dấu hiệu lộ lọt thông tin, phải thay đổi mật khẩu”.

Giám đốc Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam chi nhánh Đà Nẵng Bùi Thanh Hà cho biết, thông thường khi phát hiện sự cố thì có thể hacker, kẻ tấn công mạng, các mã độc đã nằm trong hệ thống của chúng ta từ 1 - 3 năm.

Chính vì vậy, không đợi đến khi hệ thống vận hành bị mất dữ liệu, bị phá vỡ mới phát hiện ra, xử lý. Mà ngay bây giờ, chúng ta sẽ thực hiện săn lùng các mối nguy.

“Hiện tại, chúng ta có mạng lưới ứng cứu sự cố ATANM quốc gia, với 223 thành viên tham gia. Khi các đơn vị cần hỗ trợ thì ngay lập tức sẽ gửi báo cáo về Trung tâm xử lý, với những yêu cầu cần bảo mật”- bà Hà chia sẻ.

Theo ông Trần Văn Thương, Giám đốc Sở TT-TT, đơn vị sẽ tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành khẩn trương lấp đầy, nâng cấp số lượng máy vi tính và máy chủ chưa bảo đảm ATANM.

Qua đó, giúp hệ thống chính quyền số của tỉnh chủ động loại bỏ được các cuộc tấn công mạng, bảo đảm hoạt động thông suốt.

Lê Dung