Tăng cường lãnh đạo phòng, chống tội phạm ma túy
Xây dựng Đảng - Ngày đăng : 16:51, 13/12/2022
Lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên
Thực hiện Chỉ thị số 36 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy, ngày 4/12/2019, Tỉnh ủy Đắk Nông ban hành Chương trình hành động số 52-CTr/TU để chỉ đạo các huyện ủy, thành ủy, cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội quán triệt và tổ chức thực hiện; xây dựng kế hoạch, chương trình cụ thể và thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện.
Trên cơ sở đó, UBND tỉnh ban hành kế hoạch quán triệt, triển khai chương trình hành động của Tỉnh ủy đến các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và các tầng lớp Nhân dân nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm về phòng ngừa, đấu tranh với tệ nạn ma túy. Ngoài ra, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thành lập 2 tổ khảo sát việc thực hiện Chỉ thị số 36 do đồng chí Phó Giám đốc Công an tỉnh và Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Tỉnh ủy làm Tổ trưởng.
Xác định công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy là nhiệm vụ trọng tâm, vừa cấp bách, vừa thường xuyên, lâu dài, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp, trong đó, giao lực lượng Công an tỉnh là nòng cốt, chủ trì phối hợp với các lực lượng khác triển khai các giải pháp phòng chống, kiểm soát ma túy. Qua đó, nhận thức về vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống, kiểm soát ma túy của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội được nâng cao; nhận thức đúng đắn về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Ngoài công tác lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, liên tục, các cơ quan, ban ngành chức năng, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đưa hiệu quả công tác phòng, chống ma túy là một trong những chỉ tiêu đánh giá, xếp loại cấp ủy, đảng viên hằng năm. Cùng với kiên quyết xử lý nghiêm đối với đảng viên vi phạm pháp luật hoặc sai phạm trong công tác phòng, chống ma túy, cơ quan chức năng kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong đấu tranh phòng, chống và kiểm soát ma túy.
Tòa án Nhân dân tỉnh Đắk Nông xét xử vụ án mua bán trái phép chất ma túy trên địa bàn tỉnh Đắk Nông năm 2021 (ảnh tư liệu) |
Đạt kết quả tích cực
Trên cơ sở lãnh đạo của Bộ Công an, Tỉnh ủy, kế hoạch hoạt động của UBND tỉnh, từ năm 2020 đến nay, Công an tỉnh Đắk Nông mở nhiều đợt cao điểm tấn công, trấn áp các loại tội phạm ma túy, tập trung lực lượng phương tiện đấu tranh, triệt phá nhiều đường dây mua bán, tàng trữ, vận chuyển, trồng cây có chứa chất ma túy nhằm làm trong sạch địa bàn, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương. Kết quả, Công an tỉnh Đắk Nông đã phát hiện, điều tra làm rõ 503 vụ/1.123 đối tượng; tòa án nhân dân hai cấp xét xử 388 vụ/574 bị cáo, tuyên phạt tử hình đối với 4 bị cáo, phạt tù có thời hạn 570 bị cáo.
Các sở, ban, ngành chức năng tăng cường công tác quản lý nhà nước trong phòng, chống và kiểm soát ma túy, nhất là quản lý chặt chẽ hoạt động xuất nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh các loại tiền chất, thuốc gây nghiện.... Từ sự quyết tâm, quản lý chặt nên Đắk Nông chưa phát hiện vụ việc vi phạm nào liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh các loại tiền chất liên quan đến ma túy.
Bên cạnh đó, các đội công tác xã hội tình nguyện cấp xã đã phối hợp với các ban, ngành địa phương tổ chức quản lý sau cai nghiện cho các đối tượng nghiện; thường xuyên tiếp cận, theo dõi, động viên hàng trăm người hoàn thành thời gian cai nghiện bắt buộc tái hòa nhập cộng đồng nhằm hạn chế phát sinh người nghiện mới và tình trạng tái nghiện.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 70 đội công tác xã hội tình nguyện cấp xã, với 477 tình nguyện viên. Các đội đã phối hợp với các ban, ngành địa phương tổ chức quản lý sau cai thường xuyên cho 64 đối tượng nghiện; phối hợp với các đơn vị liên quan hỗ trợ, giúp đỡ người nghiện đã hoàn thành thời gian cai nghiện trở về địa phương được hưởng các chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo (hỗ trợ vay vốn hộ nghèo, vốn giải quyết việc làm). Đồng thời, các đội phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể tổ chức các hoạt động tuyên truyền tới cộng đồng dân cư nhằm giảm sự kỳ thị, giúp người đã hoàn thành thời gian cai nghiện hòa nhập cộng đồng, làm ăn sinh sống, phát triển kinh tế gia đình, có những đóng góp cho địa phương, hạn chế tái nghiện.
Trong thời gian tới, các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương tiếp tục phối hợp triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp để thực hiện mục tiêu về công tác phòng, chống và kiểm soát có hiệu quả về ma túy.