Giúp nông dân Krông Nô sản xuất cà phê hữu cơ

Kinh tế - Ngày đăng : 08:43, 15/12/2022

Ngành chức năng đang triển khai mô hình sản xuất cà phê hữu cơ ở Krông Nô. Mô hình đã giúp nhiều nông dân thay đổi quy trình canh tác, nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo ra sản phẩm cà phê chất lượng.

Năm 2021, nhiều nông dân 2 xã Tân Thành, Nâm Nung (Krông Nô) đã tham gia Đề án khuyến nông “Sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ có truy xuất nguồn gốc và liên kết chuỗi giá trị”.

Đề án do Viện Khoa học Kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WSI) phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đắk Nông triển khai từ năm 2021 - 2023. Đề án có quy mô 10 ha cà phê, với 10 hộ tham gia, tổng kinh phí hơn 322 triệu đồng.

Tham gia Đề án, người dân được cung cấp các loại phân hữu cơ, thuốc BVTV sinh học để chăm sóc vườn cây. Bà con cũng được hướng dẫn cách bón phân, phun thuốc, chăm sóc cà phê đúng cách.

Sau hơn một năm triển khai, cà phê của 10 hộ gia đình tham gia Đề án đều sinh trưởng, phát triển tốt, màu xanh vườn cây được cải thiện, nền đất tơi xốp hơn so với trước.

Người dân tham gia hội thảo đầu bờ do Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đắk Nông tổ chức

Bước đầu, mô hình sản xuất cà phê này tăng giá trị kinh tế lên 11% so với mùa vụ trước. Sản phẩm cà phê của các hộ dân được HTX Nông nghiệp Thanh Thái bao tiêu với giá cao hơn giá thị trường từ 25 - 30%.

Gia đình bà Lương Kim Huệ, xã Nâm Nung, có 2,5 ha cà phê kinh doanh. Theo bà Huệ, trước đây, bà bón phân hóa học và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhiều, dẫn đến đất đai bạc màu, cây cà phê nhanh già cỗi, năng suất giảm dần.

Sử dụng phân, thuốc hóa học đã làm ảnh hưởng sức khỏe người trồng và môi trường nghiêm trọng. Khi tham gia Đề án, gia đình bà đã thay đổi nhận thức về chăm sóc cà phê.

Trong đó, bà chuyển từ lối canh tác truyền thống sang chăm sóc cà phê theo hướng hữu cơ. Nhờ đó, vườn cây phát triển khỏe mạnh, năng suất tốt, giá trị sản phẩm cao. Đặc biệt, đất đai, môi trường sản xuất được bảo vệ tốt hơn.

Nhờ tham gia mô hình, vườn cà phê của ông Y Thuân, ở bon Ja Rah, xã Nâm Nung, sinh trưởng, phát triển tốt

Còn gia đình ông Y Thuân, ở bon Ja Ráh, xã Nâm Nung, cũng đặt nhiều kỳ vọng khi vườn cà phê được ông sản xuất theo hướng hữu cơ có truy xuất nguồn gốc.

Theo ông Y Thuân, khi tham gia Đề án, ông được hướng dẫn ưu tiên sử dụng phân được ủ từ vỏ cà phê, các loại chế phẩm sinh học, nên giảm được chi phí đầu tư khá nhiều.

Đối với sâu hại, ông được truyền đạt một số biện pháp kỹ thuật để phòng tránh. Trong đó, ông áp dụng biện pháp cắt cành bệnh để tiêu hủy. Nếu cây mắc bệnh vượt ngưỡng, ông dùng các loại thuốc có nguồn gốc sinh học, hữu cơ để điều trị.

Tương tự, gia đình ông Đặng Văn Dũng, ở xã Tân Thành, có 5 ha cà phê kinh doanh năm thứ 6. Nhờ tham gia Đề án và sản xuất cà phê hữu cơ, nên năng suất cà phê cao hơn hẳn. Niên vụ 2022, ông thu được khoảng 20 tấn cà phê nhân.

Ông Nguyễn Xuân Hòa, Trưởng bộ môn Hệ thống nông nghiệp thuộc WSI chia sẻ: "Mô hình bước đầu góp phần làm thay đổi tư duy sản xuất của người dân. Mô hình hướng đến một nền nông nghiệp tốt, sản xuất khép kín, bảo đảm an toàn, giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân”.

Theo thống kê, hiện toàn tỉnh Ðắk Nông có 130.000 ha cà phê, trong đó diện tích cho thu hoạch khoảng 120.000 ha. Niên vụ 2021 -2022, sản lượng cà phê của tỉnh ước đạt trên 330.000 tấn.

Lãnh đạo UBND huyện Krông Nô cho biết, việc triển khai mô hình sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ có truy xuất nguồn gốc giúp ích rất nhiều cho bà con nông dân.

Đây là tiền đề quan trọng để huyện hướng tới một nền nông nghiệp tốt. Sau khi tổng kết mô hình, huyện sẽ triển khai nhân rộng trên địa bàn, góp phần thúc đẩy ngành cà phê phát triển bền vững.

Kim Ngân