Nguồn vốn ủy thác tiếp sức cho phụ nữ thoát nghèo

Đời sống - Ngày đăng : 08:59, 12/12/2022

Những năm qua, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh đã phối hợp tốt với Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) Đắk Nông hỗ trợ hàng ngàn hội viên phụ nữ nghèo được vay vốn. Nhờ nguồn vốn này, nhiều chị em đã vươn lên thoát nghèo thành công.

Thúc đẩy phát triển sản xuất

Thông qua các cấp hội LHPN, nhiều chị em nghèo trong tỉnh được cận 15 chương vay vốn chính sách. Một trong những nguồn vốn vay được chị em phát huy hiệu quả cao là thúc đẩy chăn nuôi, trồng trọt.

Nhờ nguồn vốn này, tại các địa phương ngày càng có nhiều mô hình, gương phụ nữ làm kinh tế giỏi, vươn lên thoát nghèo. Thậm chí có nhiều chị em còn vươn lên làm giàu chính đáng.

Mấy năm trước, chị Phùng Thị Kẹo, ở xã Đắk Wil (Cư Jút), được tạo điều kiện vay 50 triệu đồng vốn chính sách thông qua Hội LHPN xã. Chị Kẹo cho biết, nhờ được hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn vay, gia đình chị có điều kiện đầu tư, chăm sóc 1 ha hồ tiêu và nhanh chóng thoát nghèo.

Sau đó, gia đình ngày càng tích góp được vốn để đầu tư, phát triển sản xuất. Đến nay, mỗi năm, gia đình chị có nguồn thu nhập khoảng 100 triệu đồng sau khi trừ các chi phí.

Chị Trịnh Thị Nguyệt, ở thị trấn Đức An (Đắk Song), cũng nhờ được vay 50 triệu đồng vốn chính sách để đầu tư phân bón chăm sóc, cải tạo 2 ha hồ tiêu, cà phê. Nhờ đó, vườn cây hằng năm đạt năng suất cao.

Ngoài đầu tư trồng trọt, chị Nguyệt còn nuôi heo rừng để tạo thêm thu nhập. Đến nay, thu nhập bình quân của gia đình chị đạt 400 triệu đồng/năm (chưa trừ chi phí), kinh tế ngày càng khá giả.

Nguồn vốn chính sách giúp 2.838 phụ nữ nghèo được vay vốn

Tạo sinh kế hiệu quả

Sự đa dạng các nguồn vốn chính sách được ủy thác tại Hội LHPN tỉnh đã tạo điều kiện cho nhiều phụ nữ thuộc diện nghèo dễ dàng tiếp cận vốn vay. Nguồn vốn ủy thác này cũng giúp giải quyết việc làm cho nhiều gia đình nghèo.

Được tiếp cận vốn vay sản xuất kinh doanh vùng khó khăn và nước sạch vệ sinh môi trường, chị Trần Thị Dung, xã Đắk D’rông (Cư Jút), đã xây dựng nhà tắm, nhà vệ sinh sạch sẽ.

Chị còn đầu tư trồng cà phê, hồ tiêu, các loại cây ăn trái. Đến nay, gia đình chị Dung không chỉ đã thoát nghèo mà còn trở nên khá giả, mỗi năm thu nhập trên 160 triệu đồng.

Còn chị Võ Thị Vinh, thôn Quảng Chánh, xã Nghĩa Thắng (Đắk R'lấp), được tiếp cận nguồn vốn sản xuất kinh doanh vùng khó khăn. Nhờ đó, chị đầu tư vào sản xuất, tăng thu nhập cho gia đình.

Ngoài ra, nguồn vốn vay từ chương trình học sinh, sinh viên còn giúp chị Vinh có điều kiện nuôi con học xong đại học. Đến nay, con chị đã có việc làm ổn định và đang hoàn trả vốn cho ngân hàng.

Được tiếp cận nguồn vốn chính sách, nhiều phụ nữ đầu tư trồng trọt để phát triển kinh tế hiệu quả

Chị Trần Thị Liên, xã Đạo Nghĩa (Đắk R’lấp) vay 50 triệu đồng để mở rộng quy mô nhóm trẻ tư thục. Sau khi được mở rộng, nhóm trẻ có thêm chỗ cho các cháu vui chơi, tăng thêm số trẻ đến học và đem lại thu nhập ổn định hơn cho gia đình chị.

Bà Nguyễn Thị Lưu, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết, nguồn vốn ủy thác từ NHCSXH tăng trưởng hàng năm. Đến nay, nguồn vốn này tạo điều kiện cho hơn 2.838 hội viên phụ nữ nghèo được vay vốn làm ăn.

Hầu hết chị em khi tiếp cận được nguồn vốn chính sách đã phát triển kinh tế hiệu quả, nâng cao chất lượng cuộc sống. Nguồn vốn chính sách cũng giúp giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.

"Các nguồn vốn ủy thác được Hội LHPN tỉnh kịp thời "tiếp sức" cho hội viên vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống ổn định, làm giàu chính đáng và giải quyết việc làm hiệu quả", bà Lưu cho biết.

Hiện nay, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đang phối hợp với 4 tổ chức hội nhận ủy thác nguồn vốn, gồm: Hội LHPN tỉnh, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Ðoàn thanh niên. Tổng nguồn vốn ủy thác qua 4 tổ chức hội này chiếm 99,7% dư nợ tại Chi nhánh. Riêng Hội LHPN tỉnh nhận ủy thác khoảng 750 tỷ đồng.

Thanh Nga