Sức trẻ trong Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”
Kinh tế - Ngày đăng : 08:56, 09/12/2022
Cư Jút thúc đẩy thanh niên khởi nghiệp với OCOP
Xác định OCOP là “sân chơi” thiết thực để ĐVTN thử sức ở lĩnh vực nông nghiệp, Huyện đoàn Cư Jút đã đẩy mạnh triển khai thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” trong thanh niên. Huyện đoàn tổ chức ĐVTN tham quan, học tập các mô hình kinh tế hiệu quả; đồng thời, tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong sản xuất, trồng trọt. Các cấp bộ đoàn trong huyện rà soát nhu cầu của thanh niên, lựa chọn các mô hình kinh tế phù hợp, xác định sản phẩm là thế mạnh của cá nhân và địa phương để định hướng, hỗ trợ cho thanh niên mạnh dạn khởi nghiệp cùng OCOP.
Tỉnh đoàn Đắk Nông tổ chức cho ĐVTN tham quan, học tập mô hình kinh tế tại huyện Đắk Mil |
Bên cạnh hỗ trợ phát triển các ý tưởng, dự án khởi nghiệp, gắn với chương trình OCOP cho thanh niên, Huyện đoàn cùng các cơ sở đoàn còn tập hợp những thanh niên có cùng sở thích sản xuất, kinh doanh để thành lập và duy trì các câu lạc bộ phát triển kinh tế gắn với tiềm năng, lợi thế tại địa phương. Hiện tại, toàn huyện thành lập và duy trì hoạt động hiệu quả 8 câu lạc bộ “Thanh niên giúp nhau phát triển kinh tế”, với 127 thành viên tham gia, có tổng số vốn 717 triệu đồng. Huyện đoàn cũng phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện quan tâm, hướng dẫn ĐVTN vay vốn khởi nghiệp, lập nghiệp. Đoàn Thanh niên toàn huyện quản lý 56 tổ tiết kiệm và vay vốn, với 2.257 hộ vay, dư nợ đạt trên 105 tỷ đồng; quản lý trên 6,6 tỷ đồng thuộc nguồn vốn giải quyết việc làm và 580 triệu đồng thuộc Quỹ Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tỉnh Đắk Nông cho 9 dự án và 160 mô hình kinh tế.
Đồng hành với thanh niên
Ngay khi chương trình OCOP được triển khai trên địa bàn tỉnh, Tỉnh đoàn đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng cần thiết trong việc phát triển các ý tưởng, dự án khởi nghiệp gắn với chương trình OCOP, góp phần nâng cao nhận thức và khơi dậy tinh thần khởi nghiệp của ĐVTN với chương trình OCOP. Các cấp bộ đoàn trong tỉnh đã tổ chức tuyên truyền trong ĐVTN về sự cần thiết, nguyên tắc của OCOP; bộ tiêu chí đánh giá, xếp hạng; các chính sách hỗ trợ; đề xuất ý tưởng sản phẩm, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm...
Tổ chức đoàn trong tỉnh thường xuyên động viên, khen thưởng, hỗ trợ nguồn lực cho các bạn trẻ khởi nghiệp, nhất là khởi nghiệp gắn với sản phẩm OCOP |
Từ thực tiễn triển khai chương trình OCOP, nhiều gương thanh niên phát triển kinh tế dám nghĩ, dám làm, nỗ lực tìm tòi, nghiên cứu để nâng cao giá trị thương hiệu, các sản phẩm do mình sản xuất. Qua đó khẳng định vai trò tiên phong, gương mẫu của tuổi trẻ trên mọi lĩnh vực, nhất là trong xây dựng và phát triển các sản phẩm OCOP, góp phần xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Nhiều gương thanh niên phát triển kinh tế, dám nghĩ, dám làm với nhiều sản phẩm OCOP được phát triển gắn với các chương trình khởi nghiệp. Tiêu biểu, như: sản phẩm cà phê bột Star của Công ty TNHH MTV Star Roastery của nhóm bạn trẻ Nguyễn Hữu Tuấn, Nguyễn Văn Chung, Đặng Hữu Minh, thị trấn Đức An (Đắk Song); trà mãng cầu Anna Food của chị Lê Thị Ly Na, phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa); sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo, rượu đông trùng hạ thảo của anh Trần Văn Hồi (Đắk Song)... đều được chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. Tuổi trẻ trong tỉnh còn tích cực quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP đến với người tiêu dùng cả nước thông qua hội chợ; trang thương mại điện tử, mạng xã hội...
Theo Tỉnh đoàn Đắk Nông, tại các cuộc thi khởi nghiệp của tỉnh tổ chức, có nhiều ý tưởng của thanh niên, thể hiện quyết tâm phấn đấu đưa sản phẩm của mình đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh. Để tiếp thêm lửa cho tinh thần khởi nghiệp, các cấp bộ đoàn trong tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền các mô hình OCOP tiêu biểu của thanh niên ở địa phương; phối hợp với các đơn vị, địa phương để kịp thời hỗ trợ nguồn lực, vốn vay ưu đãi khởi nghiệp cho các dự án tham gia chương trình OCOP của ĐVTN…