Khơi dậy ý chí thoát nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số
Đời sống - Ngày đăng : 08:12, 08/12/2022
Mới đây, chị Y Thị Loan, bon B’Dơng, xã Đắk Som (Đắk Glong) được Hội Nông dân tỉnh tuyên dương là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi giai đoạn 2017-2022.
Chị Loan cho biết, năm 2002, chị lập gia đình, kinh tế gặp rất nhiều khó khăn. Lúc bấy giờ, chị theo chăn nuôi thả rông, trồng trọt với kỹ thuật lạc hậu, nên hiệu quả kinh tế đạt thấp, quanh năm thiếu ăn.
Được địa phương tuyên truyền, nên chị mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Gia đình chị chọn trồng cà phê, vì đây là cây chủ lực, phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu địa phương.
Chị cũng học tập kỹ thuật trồng, chăm sóc cà phê sao cho đạt hiệu quả tốt. Chị còn thực hiện phương châm "đa cây, đa con" để đa dạng nguồn thu nhập. Cụ thể, ngoài sản xuất cà phê, chị còn nuôi thêm gà, heo rừng.
Mỗi năm, gia đình chị chăn nuôi 6.000 con gà, 9 con heo rừng nái, hàng trăm con heo rừng thịt. Riêng 3 ha cà phê mỗi năm có sản lượng đạt trên 10 tấn nhân. Tổng thu nhập của gia đình chị lên đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Nhờ kinh tế ổn định, vợ chồng chị cho con cái học hành đến nơi, đến chốn. Từ năm 2018 đến nay, gia đình chị Loan năm nào cũng đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh và cấp Trung ương.
Ngày càng có nhiều nông dân là đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên sản xuất, kinh doanh giỏi |
Anh Điểu Phi Ông, ở bon Diêng Ngaih, xã Đắk R’tíh (Tuy Đức), có 5 ha trồng cà phê, mỗi năm đạt khoảng 18 tấn cà phê nhân. Ngoài ra, gia đình có 3 ha điều và hồ tiêu, đều đạt năng suất cao. Mỗi năm, trừ chi phí, gia đình anh thu về khoảng 600 triệu đồng.
Anh Điểu Phi Ông cho biết, nhờ được hướng dẫn kỹ thuật sản xuất nông nghiệp, cho vay vốn, nên anh không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại mà có ý chí vươn lên, chăm chỉ làm ăn.
Khi được hội nông dân và các cơ quan chuyên môn hướng dẫn kỹ thuật, anh cảm thấy rất tự tin và áp dụng vào thực tiễn vườn rẫy, từ đó nâng cao năng suất cây trồng.
Chị H’Hoa, ở thôn 3, xã Đắk P’lao (Đắk Glong), có 10 ha đất trồng cà phê, sầu riêng, bưởi, bơ và các loại cây ăn trái khác…, mỗi năm thu về tiền tỷ. Chị H’Hoa cho biết, cũng nhờ các cấp hội nông dân đến tận vườn hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây trồng, nên chị học hỏi được nhiều kinh nghiệm, ý chí vươn lên.
Gia đình chị có đất đai rộng lớn, nên đã đa dạng hóa cây trồng. Chị mua sắm máy móc như máy bơm nước, đầu tư hệ thống ống tưới, máy làm cỏ, máy xay xát… đầy đủ để giảm công sức lao động.
Trong quá trình chăm sóc cây trồng, chị tận dụng các phế phẩm nông nghiệp ủ làm phân bón, hạn chế sử dụng phân hóa học gây độc hại cho môi trường và sức khỏe.
Theo Sở NN - PTNT, tuyên truyền, truyền thông đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức, trình độ sản xuất nông nghiệp cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số.
Hiện nay, tỉ lệ hộ đồng bào dân tộc thiểu số thuộc diện nghèo, cận nghèo còn cao. Vì thế, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể cần tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền đến các vùng đồng bào dân tộc thiểu số để xóa đói, giảm nghèo bền vững.
Khâu tuyên truyền cần chú trọng vào các kiến thức, kỹ thuật sản xuất, chăm sóc cây trồng, chăn nuôi để bà con dễ tiếp cận, áp dụng vào thực tiễn sản xuất. Các mô hình làm kinh tế hay, hiệu quả cao cũng cần được tuyên truyền, nhân rộng để bà con tiếp cận, vận dụng làm ăn.