Cần sớm thống nhất mô hình quản lý Công viên địa chất toàn cầu
Văn hóa - Ngày đăng : 08:23, 25/11/2021
Hiện nay, Mạng lưới CVĐC Việt Nam có 3 CVĐCTC gồm: CVĐCTC Cao Nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang); CVĐCTC Non nước Cao Bằng (Cao Bằng) và CVĐCTC UNESCO Đắk Nông. Để đạt được danh hiệu này, ngoài những giá trị di sản đặc sắc mang tầm quốc tế, một CVĐC cần đáp ứng đủ các tiêu chí CVĐCTC. Một trong những yêu cầu đầu tiên đó là phải có Ban quản lý với đầy đủ tính pháp lý cũng như năng lực điều hành mọi hoạt động của CVĐC.
Tuy nhiên, đến nay mô hình Ban quản lý CVĐCTC UNESCO tại Việt Nam chưa quy định cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật. Do đó, cách thức quản lý CVĐC cũng chưa thống nhất ở các địa phương. Tại các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng thì Ban quản lý CVĐC là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở VHTT-DL.
Riêng đối với tỉnh Đắk Nông, Ban quản lý CVĐC được thành lập vào năm 2016 và trực thuộc Sở VHTT-DL tỉnh. Năm 2017, xét thấy một CVĐC muốn phát triển được một cách bền vững cần phải có sự liên kết giữa nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương, nhất là để tăng tính hiệu lực, hiệu quả trong công tác tham mưu, quản lý, điều hành, Ban quản lý CVĐC Đắk Nông được kiện toàn là đơn vị tư vấn trực thuộc UBND tỉnh với các chuyên viên biệt phái từ các sở, ngành cùng tham gia.
Cần có một hành lang pháp lý để vận hành hiệu quả các giá trị CVĐCTC |
Hiện tại, Ban quản lý CVĐCTC UNESCO Đắk Nông có 8 thành viên chuyên trách và 27 thành viên kiêm nhiệm ở các sở ngành, địa phương liên quan giúp việc. Thế nhưng, nếu Ban quản lý CVĐC là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở VHTT-DL thì quan hệ hợp tác, phối hợp với các sở, ngành, địa phương sẽ gặp nhiều khó khăn hơn, nhất là với những nội dung công việc thuộc chuyên ngành, lĩnh vực mang tính chuyên sâu và những nhiệm vụ cần sự chỉ đạo quyết liệt của hệ thống chính quyền từ tỉnh đến cơ sở.
Mặt khác, nội hàm của CVĐC đang thuộc phạm vi điều chỉnh của các văn bản quy phạm pháp luật thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như Luật Di sản văn hóa, Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Luật Du lịch, Luật Khoáng sản, Luật Đa dạng sinh học…
Theo bà Lê Thị Hồng An, Phó Giám đốc Ban quản lý CVĐCTC UNESCO Đắk Nông, nếu Ban quản lý CVĐC là một đơn vị sự nghiệp trực thuộc một sở cụ thể thì sẽ có sự nhập nhằng trong thực thi chức năng và nhiệm vụ. Đặc biệt hiện nay, xu hướng phát triển mô hình CVĐCTC đang nhận được rất nhiều sự quan tâm, ủng hộ của các quốc gia trên thế giới. Ngay cả ở Việt Nam, nhiều tỉnh, thành đang xây dựng mô hình này như Quảng Nam, Lạng Sơn, Gia Lai…
Một góc cảnh quan cánh đồng núi lửa |
3 mục tiêu lớn mà một CVĐC phải thực hiện đó là bảo tồn, phát huy giá trị tổng thể các loại hình di sản, trong đó di sản địa chất đóng vai trò chủ đạo; nghiên cứu khoa học, tuyên truyền, quảng bá, giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng về di sản; thúc đẩy các cơ hội sinh kế mới, bền vững, hài hòa với bảo tồn di sản như du lịch và các hoạt động sinh kế phụ trợ khác…
Do đó, để thực hiện được 3 mục tiêu này, mô hình Ban quản lý nên theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực và trực thuộc UBND tỉnh để có tính pháp lý đủ mạnh trong công tác quản lý, điều hành CVĐC và quan hệ công tác với các sở, ngành địa phương liên quan. Hiện nay, không riêng gì tỉnh Đắk Nông, các tỉnh có CVĐC tại Việt Nam đều mong muốn được áp dụng theo mô hình nhưng đang bị vướng mắc bởi một số quy định của Chính phủ tại Nghị định 120/2020/NĐ-CP về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị công lập.
Do đó, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam đang nghiên cứu, trình Bộ Nội vụ, tham mưu Chính phủ thống nhất mô hình quản lý CVĐCTC.