Căn cứ địa Nâm Nung
Văn hóa - Ngày đăng : 08:23, 25/11/2021
Căn cứ địa Nâm Nung hay còn gọi là Khu căn cứ kháng chiến B4-Liên tỉnh IV, gồm hai địa điểm Bắc Nâm Nung và Nam Nâm Nung thuộc địa bàn các huyện Krông Nô và Đắk Glong. Dãy núi Nâm Nung được đặt tên theo cách gọi của tộc người M’nông (“Nâm” có nghĩa là “núi”, và “Nung” có nghĩa là “cái sừng”, tức núi Sừng Trâu).
Trong cuộc khởi nghĩa chống Pháp, anh hùng N’Trang Lơng đã chọn dãy núi này để xây dựng căn cứ kháng chiến. Căn cứ Nâm Nung trở thành nơi tập hợp, huấn luyện và xây dựng lực lượng vững chắc. Phong trào khởi nghĩa do N'Trang Lơng lãnh đạo đã giành được nhiều chiến thắng vang dội. Vì vậy, quân Pháp đã tập trung lực lượng ra sức tìm kiếm để tiêu diệt bằng được N'Trang Lơng, nhằm dập tắt phong trào đấu tranh chống Pháp.
Trước tình thế bất lợi đó, tháng 10/1931 nhằm bảo toàn lực lượng, nghĩa quân N’Trang Lơng quyết định rút về dãy núi Nâm Nung lập căn cứ. Tại đây, nghĩa quân đã đào hầm chông, giếng chông, làm bẫy đá…tạo thành một địa bàn "bất khả xâm phạm".
Đoàn chuyên gia UNESCO nghe giới thiệu về Căn cứ địa Nâm Nung |
Không những thế, N'Trang Lơng đã kêu gọi đồng bào bản địa cùng tham gia kháng chiến, bỏ làng vào rừng, bất hợp tác với giặc Pháp. Đồng bào đã hăng hái tham gia, sẵn sàng bỏ làng, đóng góp lương thực, thực phẩm để cùng nghĩa quân chống kẻ thù.
Sau khi Cách mạng tháng Tám 1945 thắng lợi, căn cứ Nâm Nung, một lần nữa trở thành căn cứ địa vững chắc trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954) và chống Mỹ xâm lược (1954-1975).
Với lợi thế rừng núi hiểm trở, địa bàn Nâm Nung là nơi trú quân an toàn và bí mật. Đồng bào nơi đây một lòng hướng về Đảng, sẵn sàng chiến đấu, sản xuất, cung cấp lương thực cho bộ đội đóng trên địa bàn.
Hiện nay, căn cứ địa Nâm Nung còn lưu giữ rất nhiều dấu tích như: nền nhà Văn phòng Tỉnh ủy B4-Liên tỉnh IV; Văn phòng Ban cán sự B4; địa điểm tổ chức đại hội đảng bộ tỉnh; giao thông hào chiến đấu, hầm trú ẩn… Di tích được đầu tư phục dựng, tôn tạo một số địa điểm quan trọng.
Căn cứ địa Nâm Nung được công nhận là Di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia năm 2005, bao gồm hai địa điểm: Căn cứ phía Bắc Nâm Nung hình thành từ năm 1959–1967, trải dài trên địa bàn xã Nâm Nung, huyện Krông Nô,; Căn cứ phía Nam Nâm Nung hình thành từ năm 1967–1975, thuộc địa phận Khu bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung và Lâm trường Đắk N’tao, xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong.