Kinh tế tập thể - "Đầu tàu" trong tái cơ cấu nông nghiệp
Thời sự Đắk Nông - Ngày đăng : 10:02, 17/05/2022
Năm 2021, HTX Đại Đoàn Kết, ở thôn 8, xã Đắk Búk So (Tuy Đức) được thành lập với 13 thành viên, với hơn 100 ha đất canh tác. HTX hoạt động trong lĩnh vực sản xuất hồ tiêu, cà phê, sầu riêng, bơ theo hình thức xen canh.
Theo ông Phan Hoàng Lâm, Giám đốc HTX, từ năm 2016, các thành viên HTX đã áp dụng các giống mới, hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất như: cà phê dây, hồ tiêu Silanca, bơ, sầu riêng...
Bà con xã viên đã chủ động chuyển đổi cây trồng theo hướng hữu cơ, bền vững. Theo đó, các thành viên tự chế tạo phân hữu cơ để bón cho cây trồng. Quá trình sản xuất, bà con kết nối với công ty phân bón để sử dụng các chế phẩm, các loại phân hữu cơ có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Hiện nay, HTX đã kết nối với một công ty để tạo đầu ra cho sản phẩm hồ tiêu, cà phê. Nhờ nỗ lực của bà con, mỗi ha cây trồng chỉ có chi phí đầu tư từ 25 – 30 triệu đồng, nhưng mang về thu nhập từ 100 - 150 triệu đồng.
Còn HTX Long Việt Quảng Trực (Tuy Đức), có 15 thành viên sản xuất hơn 100 ha mắc ca. Theo bà Nguyễn Thị Thùy Dung, Giám đốc HTX, quá trình sản xuất mắc ca, HTX đặc biệt chú ý đến chất lượng cây giống.
Do đó, HTX đã mua giống mắc ca có nguồn gốc, bảo đảm chất lượng để các thành viên đưa vào sản xuất. Hiện nay, hầu hết diện tích mắc ca của xã viên đều đã cho thu hoạch với lượng quả ổn định.
Ngoài khâu giống, HTX cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Hiện HTX có 20 ha mắc ca được lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt. HTX đã đầu tư máy móc để chế biến, tạo ra nhiều sản phẩm mắc ca phục vụ thị trường.
Kinh tế tập thể ở Tuy Đức phục vụ liên kết nông dân, hình thành vùng nguyên liệu và kết nối đầu ra ổn định |
Huyện Tuy Đức có 16 HTX nông nghiệp. Các HTX đa dạng về các ngành nghề và dịch vụ, đáp ứng nhu cầu hợp tác, phát triển sản xuất và nâng cao năng suất, chất lượng nông sản cho người dân.
Doanh thu bình quân của các HTX ở Tuy Đức trong năm 2021 ước đạt khoảng 750 triệu đồng/HTX. Các HTX cũng tạo việc làm ổn định cho hàng trăm lao động tại địa phương.
Theo bà Phạm Thị Phượng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức, các HTX thời gian qua đã có nhiều đổi mới, có chất lượng. Các HTX đã thực hiện tốt các dịch vụ phục vụ thành viên theo hướng hạ giá thành, nâng cao chất lượng đầu ra sản phẩm.
Nhiều HTX đã liên kết với các công ty, doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm, giúp ổn định sản xuất, nâng cao thu nhập cho các thành viên. Các HTX cũng đóng vai trò tiên phong, điển hình trong nhân rộng các loại cây trồng, vật nuôi chất lượng cao; các mô hình sản xuất tiên tiến, hiện đại, an toàn...
Giai đoạn 2021 - 2025, huyện Tuy Đức đặt mục tiêu có 3 - 4 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp có liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp, làm đại diện cho các hộ dân trong việc cung ứng vật tư, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tại địa phương.
Huyện cũng xem các HTX là "đầu tàu" để tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Trong đó, các HTX sẽ là nòng cốt để huyện xây dựng các vùng nguyên liệu trọng điểm, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa, bền vững.
Huyện Tuy Đức đang tạo cơ chế hỗ trợ các HTX ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, bảo quản, chế biến sản phẩm, xây dựng thương hiệu hàng hóa. Huyện cung cấp thông tin, tìm kiếm thị trường, giới thiệu sản phẩm cho các HTX.
Huyện đang xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách đặc thù để khuyến khích, hỗ trợ đầu tư hạ tầng để phục vụ các HTX chế biến, xây dựng thương hiệu cho các loại nông sản đặc sản của địa phương như khoai lang, mắc ca...