Phát triển nông nghiệp theo hướng toàn diện
Thời sự Đắk Nông - Ngày đăng : 09:29, 11/08/2021
Tái cơ cấu kinh tế nông thôn
Trên cơ sở các quy hoạch, đề án, thời gian qua, huyện Đắk Glong đã thực hiện nhiều giải pháp đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn.
Vườn mít gần 10ha của gia đình bà Chang Thị Huyền Linh đã, đang mang lại hiệu quả kinh tế khá cao |
Trong đó, địa phương đã tổ chức lại sản xuất, áp dụng nhiều giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng cao và tích cực đưa tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Nhiều quy hoạch phục vụ phát triển kinh tế nông thôn được hoàn thành, mang tính ổn định, bền vững.
Cụ thể, ở lĩnh vực trồng trọt được địa phương quan tâm đầu tư từ khâu quy hoạch, công tác giống đến việc ứng dụng, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Từ đó giúp nông dân giảm chi phí, khắc phục tình trạng thiếu lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Toàn huyện hiện có nhiều loại cây công nghiệp chiếm ưu thế cả về năng suất, chất lượng như: Cà phê trên 17.000 ha; tiêu, cao su gần 2.000 ha; cây ăn quả trên 2.200 ha…
Các liên kết chuỗi giá trị dần được hoàn thiện, từng bước hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, gắn với thị trường.
Theo bà Chang Thị Huyền Linh, xã Quảng Sơn (Đắk Glong), việc đầu tư 10 ha trồng cây ăn trái đã giúp mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình.
Các cây trồng như mít, bơ được trồng bài bản, áp dụng đầy đủ các khoa học kỹ thuật nên mang lại năng suất cao. Sản lượng các loại cây trồng hằng năm thu về nhiều, đồng đều nên gia đình đã kết nối với thị trường ở các thành phố lớn để tiêu thụ tập trung cho các sản phẩm.
Ngoài ra, các vùng chăn nuôi tập trung trên địa bàn dần được hình thành theo hướng trang trại. Bằng việc huy động các nguồn lực, huyện đã tập trung đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật, xây dựng các vùng chuyên canh, chăn nuôi theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp, thâm canh thủy sản… Từ đó góp phần tăng thêm giá trị cho toàn ngành nông nghiệp.
Kinh tế nông thôn từng bước được phát triển. Đến nay, thu nhập bình quân của người dân trên địa bàn huyện đạt 31,5 triệu đồng/người/năm, tăng trên 3 lần so với năm 2008.
Tổng đàn gia súc, gia cầm toàn huyện hiện có trên 132.443 con. Trong đó, trâu 242 con; bò 1.909 con; dê 2.638 con; heo 9.443 con; gia cầm khoảng 116.111 con. Trên địa bàn còn có khoảng 203 ha nuôi trồng thủy sản và khoảng 43 lồng bè được nuôi trên lòng hồ thủy điện Đồng Nai 3, 4. |
Gắn sản xuất với xây dựng vùng nguyên liệu
Theo đánh giá của UBND huyện Đắk Glong, bên cạnh kết quả đạt được, việc hướng dẫn, vận động nông dân và các thành phần kinh tế tham gia đầu tư trên địa bàn nông thôn theo quy hoạch còn gặp nhiều khó khăn. Lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp còn chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, thị trường, giá cả.
Kinh tế hộ vẫn là đơn vị sản xuất kinh doanh chủ lực ở nông thôn, với quy mô sản xuất nhỏ và còn hạn chế trong liên kết, hợp tác với nhau. Kinh tế trang trại, kinh tế tập thể chậm phát triển...
Vì vậy, trong thời gian tới, để tái cơ cấu, phát triển nông nghiệp toàn diện, theo hướng hiện đại, địa phương sẽ tập trung thực hiện tốt 2 đề án lớn của tỉnh. Đó là đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và đề án Nông nghiệp công nghệ cao.
Trên cơ sở đó, huyện sẽ triển khai quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội kết hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, để cơ cấu lại quỹ đất, cơ cấu lại sản phẩm, nhất là các sản phẩm chủ lực.
Trong đó, huyện chú trọng đến tính kết nối vùng, liên vùng, nhằm tạo quỹ đất thu hút đầu tư của doanh nghiệp, hình thành vùng sản xuất hàng hóa với quy mô đủ lớn. Những diện tích đất có hiệu quả sử dụng thấp sẽ được thực hiện chuyển đổi sang sản xuất hàng hóa có hiệu quả cao hơn.
Thu hoạch củ cà rốt tại Trang trại thiên nhiên Organic ở xã Quảng Khê (Đắk Glong) |
Ngoài ra, những diện tích đất nông, lâm nghiệp sẽ được huyện tăng cường quản lý, khai thác và sử dụng hợp lý. Địa phương tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách mở rộng diện tích sản xuất theo phương thức cánh đồng mẫu lớn, tích tụ ruộng đất.
Huyện có kế hoạch thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp sang các loại cây trồng, vật nuôi có lợi thế, có thị trường tiêu thụ ổn định, gắn với xây dựng vùng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến.
Huyện đang khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư xây dựng về cơ sở hạ tầng vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất. Đồng thời, xúc tiến việc lập danh mục các sản phẩm chủ lực để phục vụ cho việc xây dựng Đề án sắp xếp, bố trí cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2035.
Đối với lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, huyện tiếp tục tập trung kêu gọi các dự án đầu tư tại lòng hồ thủy điện Đồng Nai 3 và liên kết với các hộ dân phát triển thủy sản tại các ao, hồ.
Với việc ưu tiên đầu tư phát triển nông nghiệp một cách toàn diện, huyện Đắk Glong phấn đấu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng nông, lâm, thủy sản đạt 7-7,5%/năm và mức thu nhập dân cư nông thôn tăng trên 3 lần so năm 2020.