Đắk Song tập trung khống chế dịch tả heo châu Phi

Thời sự Đắk Nông - Ngày đăng : 09:30, 16/06/2022

Sau khi dịch tả heo châu Phi (DTHCP) xuất hiện tại một số địa bàn, các cơ quan chuyên môn huyện Ðắk Song đã ráo riết vào cuộc ngăn chặn, dập dịch. Huyện quyết tâm không để dịch bệnh này bùng phát trên diện rộng.

Theo UBND huyện Đắk Song, tính đến ngày 7/6/2020, DTHCP đã xuất hiện tại một số hộ chăn nuôi heo ở các xã Nâm N’Jang và Trường Xuân, với tổng số lượng tiêu hủy là 434 con, với khối lượng 38.126 kg.

Trước tình hình này, các cơ quan chuyên môn huyện đã phối hợp chặt chẽ với địa phương để hướng dẫn, khoanh vùng tiêu độc, khử trùng chuồng nuôi và trên vật nuôi.

Lực lượng cán bộ thú y các xã cũng thường xuyên tăng cường giám sát đàn heo trên địa bàn để phát hiện dịch bệnh kịp thời và xử lý dứt điểm các ổ địch.

Lực lượng chức năng tiêu hủy heo chết do mắc bệnh

Gia đình bà Trần Thị Tuyết, bon Ding Lei, Trường Xuân, có 10 con heo nái, 34 heo thịt và trên 23 con heo sữa bị nhiễm DTHCP. Tổng trọng lượng heo tiêu hủy là 6.081 kg, thiệt hại gần 500 triệu đồng.

Theo bà Tuyết, ban đầu trong chuồng chỉ có một con heo sốt cao, bỏ ăn. Cứ nghĩ heo gặp bệnh thông thường, nên tiến hành tiêm thuốc, cách ly khỏi đàn. Nhưng khi thấy heo mệt mỏi, ủ rũ, sốt cao, bỏ ăn, bà đã thông báo cho thú y xã đến kiểm tra.

Cũng theo bà Tuyết, dịch bệnh đã gây thiệt hại nặng cho gia đình. Giờ đây, bà đang hy vọng vào sự hỗ trợ, hướng dẫn của cơ quan chuyên môn để sớm tái đàn heo, tạo nguồn thu nhập.

Heo mắc bệnh được tiêu hủy đúng quy định để phòng ngừa lây lan

Còn gia đình bà Ma Thị Lập, cũng ở bon Ding Lei, xã Trường Xuân, DTHCP xuất hiện trên đàn heo 40 con của gia đình, buộc phải tiêu hủy. Điều này khiến gia đình bà lâm vào cảnh mất nguồn thu, nợ nần.

"Tôi còn nợ đại lý thức ăn gia súc gần 50 triệu đồng. Heo chết tôi không biết lấy gì để trả nợ. Gia đình cũng mất nguồn thu nhập, cuộc sống sẽ rất khó khăn", bà Lập cho biết.

Trước tình hình dịch bệnh xuất hiện trên đàn heo gây thiệt hại khá lớn đối với người dân, UBND xã Trường Xuân đã thành lập ban chỉ đạo, các tổ kiểm đếm để tiến hành các biện pháp phòng, chống dịch. Đến nay, trên địa bàn xã đã phát hiện 8 ổ dịch, với tổng trọng lượng heo tiêu hủy là 12.667 kg.

Theo ông Nguyễn Nhật Trình, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Xuân, khi phát hiện ổ DTHCP, xã đã phối hợp với đơn vị chuyên môn tiến hành các biện pháp tiêu độc, khử trùng, khoanh vùng dập dịch.

Đồng thời, xã kiểm soát nghiêm ngặt các khu vực mua bán, giết mổ gia súc trên địa bàn. Trong đó, xã triển khai các biện pháp khống để việc mua bán, đưa heo mắc dịch bệnh ra khỏi địa bàn.

Trại nuôi heo của bà Trần Thị Tuyết, ở bon Ding Lei, Trường Xuân (Ðắk Song) trống trải sau dịch bệnh

Ông Võ Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Song cho biết, ngày 31/5/2022, huyện đã công bố DTHCP trên địa bàn thôn 9, xã Nâm N’Jang và bon Dinh Lei, xã Trường Xuân.

Đối với các xã tiếp giáp với Nâm N'Jang và Trường Xuân cũng được huyện theo dõi, kiểm soát chặt chẽ. Trong thời gian xảy ra dịch bệnh, huyện yêu cầu các địa phương phối hợp chặt chẽ với ngành chuyên môn lập các chốt kiểm soát tại vùng dịch.

Huyện kiên quyết không để heo và các sản phẩm từ heo được vận chuyển ra khỏi vùng dịch, uy hiếp vùng đệm. Hiện nay, huyện đang vận động người chăn nuôi heo thực hiện “5 không” là: không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển heo bệnh, heo chết; không giết mổ, tiêu thụ heo bệnh, heo chết; không vứt heo chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý cho heo ăn.

“Huyện quyết tâm trong thời gian ngắn nhất sẽ ngăn chặn, khống chế thành công DTHCP, bảo đảm cho hoạt động chăn nuôi của người dân được an toàn, hiệu quả”, ông Tuấn cho biết.

Kim Ngân