Chính sách chi trả DVMTR: Góp phần giảm thiểu tác hại của hiện tượng biến đổi khí hậu

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 10:45, 25/10/2013

Theo các chuyên gia thì việc mất rừng và suy thoái rừng là một trong những nguyên nhân gây nên hiện tượng biến đổi khí hậu. Do đó, việc triển khai chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) sẽ góp phần quan trọng vào việc giảm thiểu tác hại của hiện tượng biến đổi khí hậu.

Biến đổi khí hậu đang hiện hữu

Theo Trung tâm khí tượng – thủy văn tỉnh thì so với thập niên 1979 -1988, nhiệt độ không khí trung bình thập niên 1999 - 2008 cao hơn rõ rệt, nhất là vào các tháng mùa đông và trên độ cao từ 100m- 800 m, phổ biến cao hơn từ  0,50C - 0,80C. Nhiệt độ trung bình các tháng mùa đông cao hơn hẳn so với các thời kỳ khác, tiêu biểu là tháng 1, phổ biến cao hơn từ 0,80C-1,500C…

Ðiều này khẳng định sự gia tăng của nhiệt độ xảy ra ở tất cả các vùng và nhiệt độ mùa đông tăng nhanh hơn mùa hè rõ rệt. Trong các năm 2009 - 2010, nhiệt độ càng cao hơn các năm trước, nắng nóng kéo dài làm khô hạn rất nhiều nơi trên khu vực Tây Nguyên nói chung và Ðắk Nông nói riêng.

Ðơn cử, vào cuối tháng 8/2009, đúng vào tháng có nhiều mưa nhất ở những năm trước, nhưng ở các huyện Ðắk Mil, Chư Jút, Krông Nô… nắng nóng diễn ra rất gay gắt, khiến hàng trăm hécta cây trồng vụ mùa đã bị thiệt hại nặng.

Mặt khác, biến đổi khí hậu đã khiến cho thời tiết trên địa bàn tỉnh thay đổi khó lường và khắc nghiệt hơn. Chẳng hạn như mùa khô thì hạn hán, thiếu nước; mùa mưa lượng mưa nhiều gây lũ quét và lũ về nhiều hơn, với cường độ lớn hơn…

Chính sách giúp cải thiện môi trường rừng

Theo Quyết định 799/QÐ-TTg, ngày 27/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động Quốc gia về “Giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng, suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn và nâng cao trữ lượng các bon rừng giai đoạn 2011 – 2020” (Chương trình REDD+) thì việc lồng ghép các chương trình có liên quan như: Chương trình mục tiêu Quốc gia về biến đổi khí hậu, Chính sách chi trả DVMTR… là rất cần thiết.

Quyết định 799 cũng nêu rõ, Quỹ REDD+ là một Quỹ ủy thác trực thuộc Quỹ Bảo vệ – phát triển rừng ở cấp Trung ương và cấp tỉnh, được thành lập theo quy định tại Nghị định 05/2008/NÐ-CP, ngày 14/01/2008 để tiếp nhận và quản lý các khoản tài chính từ các nguồn tài trợ, ủy thác của các nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài cho REDD+ và thực hiện nhiệm vụ chi trả dịch vụ cho REDD+…

Theo các chuyên gia thì khác với một số nước, ở Việt Nam, REDD+ được xem như là một nguồn thu nhập tiềm năng, có thể đóng góp cho cả chương trình chi trả DVMTR. Ðó chính là cơ chế phối hợp của chính sách chi trả DVMTR với các chương trình mục tiêu khác.

Còn theo Nghị định 99/2010/NÐ-CP, vai trò của chính sách DVMTR đối với việc hạn chế tác hại của biến đổi khí hậu là việc cung ứng các giá trị sử dụng của môi trường rừng để đáp ứng các nhu cầu xã hội và đời sống nhân dân.

Bao gồm: bảo vệ đất, hạn chế xói mòn và bồi lắng lòng hồ, lòng sông, lòng suối; điều tiết và duy trì nguồn nước cho sản xuất và đời sống xã hội; hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng, giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính bằng các biện pháp ngăn chặn suy thoái rừng, giảm diện tích rừng và phát triển rừng bền vững; bảo vệ cảnh quan tự nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học của các hệ sinh thái rừng phục vụ cho dịch vụ du lịch; dịch vụ cung ứng bãi đẻ, nguồn thức ăn và con giống tự nhiên, sử dụng nguồn nước từ rừng cho nuôi trồng thủy sản.

Thực tế, thời gian qua, thực hiện chính sách chi trả DVMTR, Quỹ Bảo vệ – phát triển rừng tỉnh đã tổ chức chi tạm ứng tiền cho các “chủ rừng”, với số kinh phí lên đến hơn 88,7 tỷ đồng. Từ số tiền này, phần nào giúp các hộ dân sinh sống gần rừng có thêm thu nhập, cải thiện mức sống và tiến tới xóa đói, giảm nghèo.

Không những vậy, một khi đời sống của người dân được đảm bảo, các doanh nghiệp lâm nghiệp có nguồn kinh phí hoạt động thì công tác quản lý, bảo vệ rừng, đầu tư trồng rừng sẽ được phát huy hiệu quả hơn. Từ đó, không chỉ tham gia bảo tồn đa dạng sinh học, đảm bảo an ninh môi trường cho tất cả các vùng liên quan mà còn góp phần đáng kể vào giảm hiệu ứng nóng lên toàn cầu. Ðây chính là một chiến lược thích ứng tốt nhất của cả các lưu vực nói chung và trên địa bàn tỉnh nói riêng. Qua đó, giúp cho địa phương thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững.

Kim Ngân