Trả lại màu xanh ở Nam Tây Nguyên
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 07:54, 18/03/2021
Trồng cây để ổn định cuộc sống
Cũng vì lu bu công việc dịp Tết, nên phải ra Giêng khá lâu, anh Điểu Bức mới tổ chức bữa tiệc đầu năm để mời bà con, xóm giềng và cán bộ quản lý rừng Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Nam Tây Nguyên dự. Bữa tiệc được tổ chức sát cánh rừng già ở xã Đắk Ngo, nhưng vẫn có rất đông người đến chung vui.
Nhiều diện tích đất lâm nghiệp đã được Công ty TNHH MTV Nam Tây Nguyên liên kết với người dân phủ xanh bằng cây điều, cây ăn trái. Ảnh: Văn Biên |
Theo anh Điểu Bức, để làm tiệc, anh phải bắt cả con bê và nhờ bà con chòm xóm nấu nhiều món ăn đãi khách. Bê của nhà nuôi, vì thế gia đình không lo gì tốn kém.
Nói về câu chuyện tổ chức tiệc mãi trong rừng chứ không phải ở nhà tại xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập, anh Điểu Bức chỉ mỉm cười: “Hầu hết các hộ dân ở Bình Phước lên đây được Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Nam Tây Nguyên ký hợp đồng liên kết trồng điều, cao su. Ở đây cây cối nhiều và bà con có thu nhập từ điều, cao su và chăn nuôi, nên ai cũng muốn gắn bó. Nhà cửa chính ở Bình Phước chỉ để con cái học tập thôi”.
Anh Điểu Bức (bên phải) và người thân nhặt những quả điều cuối mùa để bán |
Cũng theo anh Điểu Bức, những năm trước, bà con không nghĩ lên Đắk Ngo sinh sống ổn định. Lúc mới đến chỉ thấy đồi trọc, lại vướng tranh chấp và xa nguồn nước, nên không mấy gia đình muốn gắn bó phát triển sản xuất. Chỉ khi được Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Nam Tây Nguyên ký kết giao khoán, hướng dẫn trồng điều ghép rồi dần có thu nhập, vì thế ai cũng vui.
Ông Phạm Hòa Dũng, Giám đốc Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Nam Tây Nguyên cho biết, hơn 260 ha đất khu vực xã Đắk Ngo được đơn vị liên kết với gần 50 hộ dân trồng cây lâm nghiệp như điều và cao su là những diện tích đất lâm nghiệp trống.
Trước đây phần đất này được Công ty liên kết với doanh nghiệp tư nhân để phát triển mô hình nông, lâm kết hợp nhưng không hiệu quả. Chỉ khi đơn vị trực tiếp liên kết với người dân thì những diện tích đất này mới được phủ xanh.
“Bà con phấn khởi, bởi vì, ngoài việc Công ty ký kết hợp đồng rõ ràng thì câu chuyện định hướng sản xuất phù hợp với điều kiện canh tác rất quan trọng. Để chăm sóc cây công nghiệp đòi hỏi thời gian khá dài, đơn vị đã hướng dẫn bà con canh tác thêm để “lấy” ngắn, “nuôi” dài. Một số hộ còn được Công ty tạo điều kiện tham gia bảo vệ rừng để có thêm thu nhập”, ông Dũng lý giải.
Hơn 10 ha cao su của anh Lê Kim Rành liên kết trồng đã bắt đầu vào thời kỳ cho thu hoạch. Ảnh: Anh Rành dùng máy thổi lá khô để hạn chế nguy cơ cháy vườn cao su |
Góp phần giữ rừng
Tranh thủ cắt những đám cỏ khô cao gần bằng cây mắc ca đã trồng hơn 2 năm tuổi, anh Y Bi An-E Ban ở bon Bu Prăng 1, xã Quảng Trực vừa phải lo gom lại để hạn chế nguy cơ cháy vườn cây. Kiểm tra từng hố trồng mắc ca, anh Y Bi An-E Ban vừa trao đổi với cán bộ Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Nam Tây Nguyên để xin thêm cây giống trồng dặm.
Theo anh Y Bi An-E Ban, gia đình có gần 1 ha đất lâm nghiệp, thường trồng hoa màu, khiến đất nhanh bạc màu. Khi được Công ty hỗ trợ gần 200 cây mắc ca và hướng dẫn cách trồng, chăm sóc, nên vườn cây lên ổn định. “Sau hai năm chăm sóc, kể cả một số cây không may bị chết vào mùa khô thì cũng được cán bộ Công ty kịp thời thống kê hỗ trợ. Mình rất kỳ vọng cây mắc ca sẽ mang lại thu nhập khá cho gia đình”, anh Y Bi An-E Ban tin tưởng.
Cách không xa vườn mắc ca của gia đình anh Y Bi An-E Ban, hơn 2 ha đất nằm lọt thỏm giữa cánh rừng của gia đình ông Điểu P’liu giờ cũng dần được phủ màu xanh bởi 400 cây mắc ca. Ngoài trồng cây mắc ca, gia đình ông Điểu P’liu còn trồng xen cà phê để kiếm thêm nguồn thu trong thời gian chờ mắc ca cho trái.
Theo ông Điểu P’liu, nếu không được Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Nam Tây Nguyên hỗ trợ cây giống thì gia đình đành để đất trống. Cây mắc ca đang phát triển tốt, nên chắc chắn sẽ cho nhiều trái…
Sau thu hoạch, vườn điều được người dân phát dọn cỏ sạch sẽ |
Theo ông Nguyễn Ngọc Bình, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên, trong các năm 2018-2019, Công ty đã liên kết với hơn 50 hộ dân, hỗ trợ giống trồng hơn 120 ha cây mắc ca, cùng một số cây ăn quả trên những diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm. Mỗi ha đất Công ty hỗ trợ từ 15-20 triệu đồng tiền cây giống các loại.
Cũng theo ông Bình, không chỉ hỗ trợ giống ban đầu, Công ty chủ động “tìm” các doanh nghiệp chế biến nông sản để lo đầu ra cho các sản phẩm này. Khi vườn cây của người dân cho thu nhập ổn định, Công ty chỉ lấy khoảng 10% chi phí lợi nhuận, nhằm phục vụ lại công tác quản lý.
“Việc Công ty hỗ trợ người dân sống gần rừng cũng là cách để đơn vị làm tốt nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng, đất rừng. Bởi vì, khi bà con ổn định cuộc sống thì chính họ là “tai mắt” giúp Công ty bảo vệ hơn 26.000 ha rừng, đất rừng”, ông Bình lý giải.