Chuyển đổi số ở ngôi trường vùng biên
Công nghệ - Ngày đăng : 08:35, 11/10/2022
Đến Trường THPT Lương Thế Vinh, không khó để nhận thấy công tác số hóa diễn ra trên nhiều mặt và điều đó đã mang lại những kết quả quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Theo thầy giáo Trần Công Toàn, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh thì để thực hiện được chuyển đổi số, trước hết phải nâng cao nhận thức hiểu đúng bản chất các nội dung liên quan cho đội ngũ cán bộ, quản lý, giáo viên, học sinh.
Với tinh thần đó, trường tập trung tuyên truyền các nội dung như chuyển đổi số là gì? tại sao phải chuyển đổi số? sự khác nhau giữa ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số... Hiện tại, trường đăng ký cho tất cả cán bộ, giáo viên và hơn 120 học sinh tham gia khóa đào tạo chuyển đổi số đợt thứ 3 do Học viện trực tuyến Việt Nam tổ chức.
Chuyển đổi số trong nhà trường được thể hiện qua việc sử dụng một số phần mềm trong quản lý như: phần mềm VNEdu, SMAS, cơ sở dữ liệu ngành http://csdl.moet.gov.vn; phần mềm tập huấn bồi dưỡng thường xuyên của Bộ GD-ĐT; sử dụng phần mềm ETEP, TEMIS để đánh giá công chức. Các hoạt động, kế toán tài chính, quản lý tài sản, hỗ trợ kê khai thuế; giao dịch kho bạc, quản lý thư viện, soạn thời khóa biểu, quản lý công văn đi, đến đều thực hiện trên các phần mềm, ứng dụng công nghệ thông tin…
100% giáo viên Trường THPT Lương Thế Vinh áp dụng soạn giảng bằng giáo án điện tử |
Đặc biệt, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, với phương châm “dừng đến trường, không dừng học”, trường tích cực ứng dụng công nghệ thông tin để dạy học online, kiểm tra, đánh giá hội họp trực tuyến như: Microsoft Team, Zoom, Google meet, K12 Online…
Website của trường cũng được kết nối liên thông với cổng thông tin điện tử của cơ quan quản lý giáo dục. Trên nền tảng website, nhà trường đã xây dựng được thư viện số nhằm cung cấp cho giáo viên, học sinh các nguồn học liệu như sách giáo khoa, sách tham khảo điện tử, bài giảng điện tử, giáo án, phần mềm mô phỏng, thí nghiệm ảo và các học liệu điện tử khác để hỗ trợ dạy và học.
Trường cũng tận dụng mạng xã hội Zalo, Facebook, SMS chuyển tải, truyền đạt nội dung thông tin đến cán bộ, giáo viên, nhân viên, phụ huynh, học sinh. Các lớp học được trang bị ti vi thông minh; phủ sóng wifi toàn trường để tạo điều kiện thuận lợi ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học.
“Qua thời gian triển khai áp dụng công nghệ thông tin đã góp phần tạo sự linh hoạt, hiệu quả trong cả quản lý, giảng dạy và học tập. 100% giáo viên áp dụng soạn giáo án điện tử, tạo nên những tiết học sinh động. Công tác quản lý linh hoạt, nhanh hơn, giảm thiểu lượng giấy tờ không cần thiết”, thầy Trần Công Toàn chia sẻ.
Thời gian tới, trường tiếp tục quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, giáo viên, học sinh về kiến thức, kỹ năng công nghệ, an toàn thông tin cần thiết để tác nghiệp trên môi trường số, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số. Cùng với đó, trên nền tảng cơ sở dữ liệu ngành kết nối với hệ thống phần mềm quản trị nhà trường, đơn vị triển khai sử dụng các sổ điện tử như sổ theo dõi kết quả đánh giá học tập và rèn luyện của học sinh, học bạ điện tử, sổ đăng bộ điện tử và các sổ điện tử khác, để quản lý, theo dõi học sinh tốt hơn.