Xử lý không quyết liệt, "điểm đen" Trường Xuân vẫn tồn tại
Trật tự - Ngày đăng : 08:25, 21/12/2020
Nguy cơ xảy tai nạn cao
Tại khu vực chợ tạm, dọc 2 bên có khoảng 70 cửa hàng kinh doanh thực phẩm, tạp hóa, vật liệu xây dựng, quán cơm, giải khát... Vào buổi sáng, người dân qua lại tấp nập, mua bán, để xe máy tràn ra cả lòng đường. Nhiều người ngồi trên xe trao đổi với người bán diễn ra dưới lòng đường. Nguy hiểm nhất là vào chiều tối, vì lúc này lưu lượng xe qua lại đông, phụ huynh đưa đón con vào giờ tan học, người dân đi làm rẫy về.
Phía đầu dốc bị người dân lấn chiếm bán hàng quần áo, giày dép |
Địa điểm họp chợ nằm ngay giữa dốc võng, nếu xảy ra trường hợp xe ô tô mất thắng sẽ gây ra tai nạn thảm khốc. Nguy hiểm luôn rình rập là vậy, nhưng người dân lấn chiếm xây dựng nhà cửa và công trình sát lòng lề đường làm cho tầm nhìn càng bị hạn chế.
Ông Trương Văn Hoàng, tài xế lái xe khách chạy tuyến Gia Lai - TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Mỗi lần tôi điều khiển xe chạy qua đoạn đường này là phải giảm tốc độ hết mức, nếu không rất dễ gặp sự cố tai nạn. Có không ít lần, khi lái xe qua đoạn đường này, tôi gặp những trường hợp đột ngột băng sang đường, buộc phải thắng gấp. Bên cạnh đó, xe buộc phải lấn làn vì lòng đường bị người dân chiếm dụng buôn bán”.
Tình trạng người dân lấn chiếm lòng lề đường làm nơi buôn bán đã nhiều năm nay, nhưng vẫn chưa được xử lý dứt điểm và đã có những vụ xe ô tô tải bị lật, xảy ra tai nạn gây chết người.
Lề đường bị lấn chiếm để hàng hóa |
Vai trò của địa phương còn mờ nhạt
Trước những nỗi lo TNGT xảy ra, chỉ tính trong 2 năm 2019 và 2020, Thanh tra Sở Giao thông-Vận tải đã tổ chức 10 đợt giải tỏa hành lang tại khu vực chợ tạm xã Trường Xuân.
Năm 2019, lực lượng thanh tra tổ chức 4 đợt, giải tỏa 65 hộ kinh doanh, buôn bán lấn chiếm lòng lề đường, thu giữ 7 biển quảng cáo, lập 4 biên bản 4 trường hợp cam kết không lấn chiếm và xây dựng tường rào kiên cố lấn chiếm phạm vi đất hành lang.
Năm 2020, lực lượng thanh tra tiếp tục tổ chức 6 đợt, giải tỏa 60 trường hợp kinh doanh lấn chiếm lòng lề đường làm nơi buôn bán, thu giữ 36 biển quảng cáo, nhắc nhở 205 trường hợp tháo gỡ các công trình lấn chiếm với tổng diện tích 135m2, lập 9 biên bản vi phạm hành chính xây dựng công trình lấn chiếm đất hành lang.
Lực lượng thanh tra còn tổ chức hàng chục buổi tuyên truyền cho người dân hiểu về phạm vi hành lang cũng như phân tích hậu quả của việc lấn chiếm làm ảnh hưởng đến an toàn giao thông, hư hỏng hạ tầng giao thông.
Tuy nhiên, công tác tuyên truyền, giải tỏa hành lang không khác gì "đá ném ao bèo". Người dân vẫn lấn chiếm, gây ra phức tạp về trật tự an toàn giao thông tại khu vực này. Trước tình cảnh trên, lực lượng thanh tra đã tăng cường kiểm tra thủ tục hành chính các phương tiện đưa đón học sinh cũng như nhắc nhở tài xế chấp hành, hạn chế tốc độ khi lưu thông qua khu vực chợ tạm.
Các công trình của người dân sát mép đường làm hạn chế tầm nhìn |
Trong khi lực lượng thanh tra nỗ lực lập lại trật tự hành lang, bảo đảm an toàn giao thông tại đoạn đường này thì địa phương lại thờ ơ. Sau các cuộc giải tỏa, lực lượng thanh tra bàn giao lại cho chính quyền địa phương tổ chức lực lượng bảo vệ. Tuy nhiên, địa phương không quyết liệt nên tình trạng lấn chiếm vẫn tiếp diễn.
Ông Hoàng Hữu Huy, Phó Chánh thanh tra Sở Giao thông-Vận tải cho biết: “Sau các đợt giải tỏa, địa phương không bảo vệ được nên tình hình lần chiếm lòng lề đường, tập trung buôn bán càng phức tạp hơn, gây mất an toàn giao thông. Lực lượng thanh tra không đủ quân số để ngày nào cũng làm công việc giải tỏa, mà trách nhiệm bảo vệ sau giải tỏa phải là địa phương đã được phân cấp theo quy định của pháp luật. Muốn giải quyết dứt điểm tại khu vực này, cần có nguồn kinh phí hỗ trợ cho người dân di dời công trình, đẩy mạnh công tác tuyên truyền và địa phương phải xử lý quyết liệt”.