Vụ khiếu kiện đất đai ở xã Đắk Sắk: Nhiều đối tượng cố tình làm phức tạp tình hình

Pháp luật - Ngày đăng : 15:15, 18/08/2015

Vụ khiếu kiện về đất đai của 76 hộ dân ở xã Đắk Sắk (Đắk Mil) phát sinh từ năm 2009. Đầu năm 2010, vụ việc đã được các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết và xác định không còn thời hiệu khiếu nại theo quy định của luật Khiếu nại, tố cáo. Tuy vậy, mấy năm vừa qua, một số người vẫn tiếp tục khiếu nại. Phải chăng chính quyền địa phương đã giải quyết không thấu tình, đạt lý hay còn có những khuất tất và mưu đồ của một số người muốn đẩy vụ việc đi theo một hướng khác?

DIỄN BIẾN VÀ GIẢI QUYẾT CỦA CƠ QUAN CHỨC NĂNG

Công ty Cà phê Đức Lập (Đắk Mil) tiền thân là Xí nghiệp liên hiệp (XNLH) Cà phê Đắk Mil. Năm 1985, XNLH Cà phê Đắk Mil được Nhà nước giao cho diện tích đất đã thu hồi của một số hộ dân trên địa bàn. Năm 2009, khi đã qua 14 năm kể từ khi thu hồi đất, một số hộ dân ở thôn Xuân Tình, xã Đắk Sắk (Đắk Mil) có đơn yêu cầu Công ty Cà phê Đức Lập bồi thường và trả lại diện tích đất đã thu hồi. Vụ việc này được Công ty Cà phê Đức Lập xem xét giải quyết và xác định đã hết thời hiệu khiếu nại.

Tiếp đó, ông Lê Doãn Ngọc, đại diện 76 hộ dân xã Đắk Sắk có đơn khiếu nại với yêu cầu Nhà nước trả lại diện tích đất nói trên. Đơn của ông Ngọc được Văn phòng Chủ tịch nước chuyển cho UBND tỉnh Đắk Nông xem xét giải quyết theo thẩm quyền. Ngày 19/4/2010, UBND tỉnh Đắk Nông có Báo cáo số 83/UBND-NC, gửi Văn phòng Chủ tịch nước.

Nội dung báo cáo nêu: Việc XNLH Cà phê Đắk Mil thu hồi đất của 76 hộ là căn cứ vào Quyết định số 694/QĐ-UB, ngày 22/2/1983 của UBND tỉnh Đắk Lắk. Việc thu hồi đất này được thực hiện theo điểm a, khoản 2 thẩm quyền về giao đất để sử dụng và điểm a, b khoản 3 việc thu hồi đất, mục V của Quyết định số 201- CP, ngày 1/7/1980 của Hội đồng Chính phủ về việc thống nhất quản lý ruộng đất và tăng cường công tác quản lý ruộng đất trong cả nước. Cũng theo báo cáo nói trên, XNLH Cà phê Đắk Mil đã chi trả tiền công khai phá đất, đền bù về nhà cửa và hỗ trợ về giống cây trồng, cấp đất tái định cư cho các hộ dân.

Vụ việc tưởng như đã được giải quyết xong nhưng ngày 23/8/2010, ông Nguyễn Viết Nghĩa, đại diện 76 hộ dân có đơn khiếu kiện gửi Chủ tịch UBND tỉnh, yêu cầu giải quyết khiếu nại kéo dài của 76 hộ dân vùng kinh tế mới Đắk Sắk. Ngày 1/9/2010, UBND tỉnh Đắk Nông có Công văn số 2936/UBND-NC đề nghị Huyện ủy chỉ đạo UBND huyện Đắk Mil và các tổ chức, đoàn thể của huyện cùng với địa phương vận động, giải thích cho 76 hộ dân.

Ngày 15/10/2010, UBND huyện Đắk Mil tổ chức đối thoại với 76 hộ dân. Quan điểm của UBND huyện Đắk Mil là: Việc các hộ dân yêu cầu bồi thường bằng tiền hoặc lấy lại đất đã bị thu hồi trước đây là không phù hợp với chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Sau cuộc đối thoại trên, ông Lê Đình Chuyên với danh nghĩa luật sư Đoàn Luật sư Sóc Trăng, tiếp tục thực hiện khiếu nại. Đầu năm 2013, UBND huyện Đắk Mil thành lập tổ công tác để kiểm tra, xem xét vụ việc. Tiếp đó, vào ngày 8/8/2013, Thanh tra tỉnh Đắk Nông làm việc với UBND xã Đắk Sắk để xác định nội dung, đối tượng khiếu kiện.

Cuối tháng 8/2013, Thanh tra tỉnh phối hợp UBND huyện Đắk Mil, UBND xã Đắk Sắk gặp gỡ các hộ dân để thông báo, giải thích kết quả giải quyết của các cấp có thẩm quyền. Tuy vậy, một số người như ông Nguyễn Viết Nghĩa, ông Nguyễn Đình Thủy và bà Lê Thị Ái không đồng ý và vẫn yêu cầu được trả lại đất.

Sau khi chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, rà soát quá trình giải quyết khiếu kiện của 76 hộ dân, ngày 24/9/2013, UBND tỉnh Đắk Nông đã có Báo cáo số 381/UBND-NC gửi Thanh tra Chính phủ và ngày 19/3/2014, UBND tỉnh Đắk Nông có văn bản trả lời khiếu nại đối với vụ việc trên. Cả 2 văn bản đều có nội dung khẳng định như tại Báo cáo số 83/UBND-NC, của UBND tỉnh Đắk Nông gửi Văn phòng Chủ tịch nước ngày 19/4/2010 (đã nêu ở phần trên).  

Có thể thấy, vụ việc đã qua nhiều cấp xem xét, xử lý đúng pháp luật nhưng một số người vẫn tiếp tục khiếu kiện. Vậy họ là ai?

CHÂN DUNG NGƯỜI KHIẾU KIỆN

Đối với người nông dân, đất đai là tài sản, là tư liệu sản xuất luôn gắn bó với họ. Phải chăng khi bị thu hồi đất, không còn nơi sản xuất nên 76 hộ dân lâm vào khó khăn và buộc phải khiếu kiện? Theo thông tin của Thanh tra tỉnh thì không phải như vậy mà các hộ dân ở thôn Xuân Tình đều có mức sống ổn định, không thiếu đất ở và đất sản xuất. Bình quân một hộ có 344 m2 đất ở và 12.474 m2 đất sản xuất.

Trong số 76 hộ, cơ quan chức năng đã xác minh có 12 trường hợp ký tên mạo danh. Có những trường hợp đã chết như Nguyễn Văn Thiết, Lê Doãn Cầm, Phan Văn Định, Lê Tiến Hồng nhưng vẫn có tên trong số 76 người nói trên.

Cơ quan chức năng cũng xác minh có 5 hộ không sinh sống ở địa phương (Lê Tiến An, Lê Văn Loan, Lê Doãn Khoa, Nguyễn Đình Biên, Lê Văn Thuận), 6 hộ không có đất bị thu hồi nhưng có ký tên trong đơn khiếu kiện (Nguyễn Đình Chuyên, Lê Tiến Nghĩa, Nguyễn Đình Chính, Nguyễn Đình Cẩm, Lê Thị Lân, Nguyễn Thị Hạnh).

Còn đối với ông Lê Đình Chuyên, người thực hiện khiếu nại cho 76 hộ thì cơ quan chức năng đã xác định là người giả danh luật sư Đoàn Luật sư Sóc Trăng. Năm 2010, một số người đứng ra huy động tiền của các hộ dân để đưa cho ông Chuyên đi kiện. Số tiền huy động của các hộ dân bị ông này chiếm đoạt. Ngày 22/9/2011, Tòa án nhân nhân tỉnh Đắk Nông đã xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với bị cáo Lê Đình Chuyên về tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản công dân. Theo đó, ông Chuyên bị xử phạt 12 năm tù và buộc phải trả cho các hộ dân xã Đắk Sắk 676.000.000 đồng.

Quyền khiếu nại, tố cáo của công dân được pháp luật quy định và là cơ sở pháp lý cần thiết để công dân thực hiện tốt quyền làm chủ, phát huy dân chủ, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa. Nhưng trên thực tế, có nhiều người đã lợi dụng quyền này để trục lợi cá nhân, gây rối trật tự, an toàn xã hội. Vụ việc mà bài báo này nêu cũng có dấu hiệu như thế. Khi bản chất vấn đề đã sáng tỏ, mong người dân tỉnh táo để tránh bị kích động, xúi giục của một số đối tượng có động cơ không tốt.

Từ 1/7/2014 đến 1/7/2015 các cơ quan hành chính tỉnh Đắk Nông đã giải quyết 490 vụ khiếu nại, trong đó chỉ có 18 vụ khiếu nại đúng và có tới 439 vụ khiếu nại sai. Trong số 92 vụ tố cáo đã được giải quyết có 2 vụ tố cáo đúng, 87 vụ tố cáo sai…
Một bộ phận người dân chưa nhận thức đầy đủ các quy định của pháp luật, lại bị kích động nên khiếu kiện gay gắt đối với những trường hợp đã được giải quyết đúng pháp luật. Một số trường hợp lợi dụng việc khiếu nại, tố cáo để kéo dài thời gian, không chấp hành quyết định giải quyết đã có hiệu lực pháp luật. Nhiều trường hợp cố tình gây rối, coi thường pháp luật và chống đối người thi hành công vụ nhưng chưa được xử lý nghiêm minh.

N.T