Cảnh giác với cạm bẫy buôn bán người

Pháp luật - Ngày đăng : 10:04, 27/05/2016

Những năm gần đây, tình hình tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh diễn biến khó lường với những phương thức, thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi. Trước thực tế trên, đã đặt ra cho các cấp chính quyền, ngành chức năng cần có giải pháp để ngăn ngặn đối với loại tội phạm nguy hiểm này.

Giả vờ yêu đương rồi lừa bán qua Trung Quốc

Mới đây, Tòa án nhân dân tỉnh xét xử vụ án buôn bán người liên tỉnh mà nạn nhân là một số phụ nữ, thiếu nữ ở huyện Tuy Đức.

Theo cáo trạng, vào tháng 7/2014, Giàng Seo Cáng và Vàng Seo Xần có mối quan hệ từ trước đã gặp nhau tại Bản Lầu, huyện Mường Khương (Lai Châu) bàn về việc đi tìm kiếm, dụ dỗ phụ nữ bán sang Trung Quốc lấy tiền tiêu xài.  Đến cuối tháng 7/2014, Xần đi lên nhà anh họ Vàng Xa Phù, ở thôn Phong Hải, huyện Bảo Thắng (Lào Cai) chơi, rồi mượn điện thoại của anh Phù gọi điện cho chị Sầm Thị P trú tại huyện Tuy Đức (Đắk Nông) để nói chuyện.

Sau cuộc điện thoại làm quen, từ đó Xần và chị P thường xuyên giữ liên lạc và nảy sinh quan hệ tình cảm. Đến tháng 9/2014, chị P gọi điện cho Xần nói mới từ Đắk Nông về quê ở xã Yên Thành, huyện Quang Bình (Bắc Giang). Ngày hôm sau, Xần tức tốc bắt xe từ tỉnh Hà Giang xuống gặp chị P và sau đó,  đón xe khách đưa chị P đến xã Bản Lầu, huyện Mường Khương (Lai Châu) để giao dịch.

Khi đi trên xe khách, chị P đã kể về gia đình mình và cho Xần biết số điện thoại của Hầu Thị P, Chang Thị D và Lý Thị D đều là con gái và con dâu của mình. Trưa đó, Cáng gọi điện cho một đối tượng tên Quang (chưa rõ nhân thân và lai lịch) hẹn đến biên giới thuộc thôn Na Lốc 4, xã Bản Lầu để trao đổi. Khi đến điểm hẹn, Quang nói chị P đã lớn tuổi, nên chỉ bán được 10.000 nhân dân tệ, nhưng phải chia cho Quang 3.000 nhân dân tệ thì được Cáng đồng ý. Cáng giữ 3.000 nhân dân tệ và chia cho Xần 4.000 nhân dân tệ.

Không dừng lại ở đó, Xần tiếp tục gọi điện thoại cho Hầu Thị P, Chang Thị D và Lý Thị D là con gái và con dâu của chị P để tiếp tục tán tỉnh yêu đương, dụ dỗ sang Trung Quốc để có “cuộc sống sung sướng”. Bằng những lời “mật ngọt”, Xần đã dụ dỗ được chị Hầu Thị P đồng ý, nhưng phải vào Đắk Nông để đón chị P đi ra Bắc. Đến ngày 18/9, khi đang vào địa bàn huyện Tuy Đức để đón người thì Xần và Cáng đã bị lực lượng Công an huyện bắt quả tang và tóm gọn.

Tại phiên xét xử, các bị cáo đã cúi đầu nhận tội. Cùng với việc phải bồi thường thiệt hại cho chị Sầm Thị P, bị cáo Xần bị phạt 10 năm tù giam, bị cáo Cáng bị phạt  9 năm tù giam.

Không riêng gì vụ việc trên, từ đầu năm 2016 đến nay, Tòa án nhân dân tỉnh đã xét xử thêm 7 vụ án khác liên quan đến tội phạm buôn bán người. Qua thực tế cho thấy, các đối tượng thường sử dụng mối quan hệ bạn bè, gia đình, người quen để nhờ giới thiệu, làm quen các cô gái có độ tuổi trung bình từ 17-30 tuổi rồi giả vờ yêu đương, cưới hỏi, rồi tổ chức bán qua Trung Quốc.

Người dân cần đề cao cảnh giác

Theo hồ sơ các vụ án được Tòa án nhân dân tỉnh xét xử thì các đối tượng tội phạm thường có hộ khẩu thường trú ở các tỉnh phía Bắc vào địa bàn tỉnh, cấu kết với những đối tượng tại địa phương để thực hiện âm mưu buôn bán người. Mặt khác, các đối tượng buôn bán người còn tìm đến địa bàn vùng sâu, vùng xa để dụ dỗ, lừa gạt.

Cụ thể, loại tội phạm buôn bán người thường xuyên sử dụng các thiết bị, phương tiện như điện thoại, mạng xã hội và các dịch vụ trên internet để lân la, làm quen với các cô gái, rồi giả vờ hò hẹn, yêu đương, rủ lên các tỉnh biên giới phía Bắc du lịch, thăm nhà, từ đó dễ dàng bán ra nước ngoài.

Thậm chí, một số đối tượng còn trực tiếp xuất hiện ở các điểm vùng sâu, vùng xa của các huyện Đắk Glong, Tuy Đức… làm quen với các cô gái trẻ, những người có gia đình nhưng không hạnh phúc, rồi tán tỉnh, giả vờ yêu đương hoặc lấy làm vợ, sau đó lừa bán vào các động mại dâm ngoài biên giới.

Cũng có những đối tượng còn dùng các thủ đoạn khác như thông qua các công ty môi giới hôn nhân, thông báo trên mạng internet tuyển dụng xuất khẩu lao động, tìm việc làm ở nước ngoài để có thu nhập cao nhằm thu hút những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tự tìm đến rồi thực hiện lừa bán.

Ngoài ra, chúng còn dùng thủ đoạn sau khi dụ dỗ được nạn nhân sang Trung Quốc thì cho ăn mặc sung sướng, rồi dùng chính họ gọi điện thoại về cho các người thân quen để tiếp tục dụ dỗ, đưa tiếp nạn nhân khác sang, rồi thực hiện hành vi buôn bán người.

Qua khai nhận của các đối tượng buôn bán người, cũng như lời khai của các nạn nhân trốn thoát từ nước ngoài trở về cho thấy, các nạn nhân thường được bán cho những người đàn ông nước ngoài có nhu cầu lấy về làm vợ. Những người đàn ông nước ngoài này thường có hoàn cảnh hết sức khó khăn, không có điều kiện lấy các cô gái bản địa, nên những nạn nhân bị lừa bán cũng phải sinh sống trong điều kiện lam lũ, khổ cực hơn cả trong nước. Cũng có một bộ phận các nạn nhân bị bán vào các trang trại sản xuất nông nghiệp, nhà máy sản xuất… sau đó đều bị bóc lột sức lao động quá sức, làm việc trong điều kiện khổ cực nhưng lại không được nhận tiền thù lao.

Tuy nhiên, phổ biến nhất hiện nay là những cô gái trẻ thường bị bán vào các động mại dâm, hàng ngày bị ép bán dâm nhiều lần, nhưng lại bị chủ chứa chiếm đoạt hết tiền bạc. Điều đáng nói, những nạn nhân sau khi bị bán qua nước ngoài thì bị cách ly hoàn toàn với đời sống xã hội ở nước bạn, bị hạn chế quyền đi lại, thậm chí còn bị theo dõi sát sao nên ít có cơ hội trốn thoát về nước để vạch trần bọn tội phạm đã gây ra. Qua đó, hiện nay ở Đắk Nông hiện đang có nhiều phụ nữ mất tích, chưa thể liên lạc được và có khả năng cao là liên quan đến tội phạm buôn bán người.

Theo ông Lương Đức Dương, Chánh tòa Hình sự (Tòa án nhân dân tỉnh) thì tình hình tội phạm mua bán người hoạt động trá hình, núp bóng dưới nhiều hình thức. Vì vậy, để đấu tranh, ngăn chặn loại tội phạm buôn bán người, bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan chức năng thì các cấp chính quyền, đoàn thể ở các địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân.

Mặt khác, chính quyền địa phương cần kiểm soát chặt chẽ nhân khẩu, hộ khẩu, kết hôn… để kịp thời phát hiện các trường hợp liên quan đến buôn bán người. Về phía ngành tòa án thì đã đưa tất cả những vụ buôn bán người đi xét xử lưu động ở các địa phương vùng sâu, vùng xa nhằm giúp nhân dân ở đây nhận thức được các phương thức, thủ đoạn của loại tội phạm buôn bán người cũng như sự nghiêm minh của pháp luật về tội danh này.

Phan Tuấn