Áp dụng thủ tục rút gọn trong xét sử dân sự: Nhanh chóng, hiệu quả và tiết kiệm khi giải quyết các vụ án dân sự

Pháp luật - Ngày đăng : 09:17, 18/08/2016

Thực tiễn xét xử của tòa án các cấp đối với các vụ án dân sự cho thấy, có nhiều loại tranh chấp đơn giản, giá trị tài sản tranh chấp thấp, nội dung vụ án cụ thể, chứng cứ rõ ràng… nhưng vẫn phải tiến hành đầy đủ các thủ tục theo quy định chung của pháp luật để giải quyết.

Bởi vì, theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự (TTDS), chỉ có một thủ tục TTDS chung cho việc giải quyết các loại tranh chấp dân sự và thời gian để giải quyết các tranh chấp này kéo dài từ 2 tháng đến 6 tháng.

Quy định trên khiến thời gian giải quyết vụ án kéo dài, gây lãng phí, tốn kém tiền bạc một cách không cần thiết cho Nhà nước và các đương sự. Chính vì lẽ đó, Bộ luật TTDS năm 2015, có hiệu lực thi hành ngày 1/7/2016, đã bổ sung quy định giải quyết vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn. Theo đó, các thủ tục tố tụng thông thường sẽ được đơn giản hóa để vụ án được giải quyết một cách nhanh chóng, hiệu quả, nhưng vẫn bảo đảm đúng pháp luật đối với một số loại vụ việc cụ thể.

Trường hợp áp dụng thủ tục rút gọn

Tòa án giải quyết vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn đối với những vụ án có tình tiết đơn giản, quan hệ pháp luật rõ ràng, tài liệu, chứng cứ đầy đủ, bảo đảm đủ căn cứ để giải quyết vụ án; các đương sự đều có địa chỉ nơi cư trú, trụ sở rõ ràng; không có đương sự, tài sản tranh chấp ở nước ngoài, trừ trường hợp các đương sự có thỏa thuận đề nghị Tòa án giải quyết theo thủ tục rút gọn…

Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử vụ án theo thủ tục rút gọn, nếu xuất hiện tình tiết mới khiến vụ án không còn đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn thì Tòa án ra quyết định chuyển vụ án sang giải quyết theo thủ tục thông thường. Trường hợp chuyển vụ án sang giải quyết theo thủ tục thông thường thì thời hạn chuẩn bị xét xử vụ án được tính lại kể từ ngày ra quyết định chuyển vụ án sang giải quyết theo thủ tục thông thường.

Thời hạn, mức án phí trong thủ tục rút gọn

Theo quy định, đối với các vụ án thông thường, thời hạn chuẩn bị xét xử vụ án dân sự khoảng 4 tháng thì đối với vụ án theo thủ tục rút gọn, thời hạn chuẩn bị xét xử chỉ không quá 1 tháng. Thời hạn mở phiên tòa kể từ ngày ra quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục rút gọn là 10 ngày, trong khi đó, ở thủ tục thông thường là 1 tháng (trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là 2 tháng). Như vậy, thời gian giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn được rút ngắn rất nhiều so với thủ tục thông thường.

Luật cũng quy định, khi nhận được quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục rút gọn, trong thời hạn 3 ngày làm việc, đương sự có quyền khiếu nại, Viện kiểm sát cùng cấp có quyền kiến nghị với quyết định này. Quy định trên nhằm tránh việc Thẩm phán “lạm quyền” trong việc quyết định áp dụng thủ tục rút gọn.

Xét xử vụ án theo thủ tục rút gọn

Giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn, Thẩm phán nghiên cứu hồ sơ vụ án mà không phải tổ chức phiên họp xem xét đánh giá chứng cứ, hòa giải. Phiên tòa sơ thẩm theo thủ tục rút gọn do Thẩm phán tiến hành thủ tục khai mạc phiên tòa (không có sự tham gia của Hội thẩm nhân dân).

Các đương sự, Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp phải có mặt tại phiên tòa xét xử theo thủ tục rút gọn. Trường hợp bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được triệu tập hợp lệ mà vắng mặt không có lí do chính đáng; Kiểm sát viên vắng mặt thì Thẩm phán vẫn tiến hành phiên tòa và đương sự có quyền đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt. Quy định này nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của các bên liên quan khi tham gia phiên tòa, khắc phục tình trạng cố tình vắng mặt để trì hoãn việc xét xử như trước đây. Nhờ đó, vụ án được đưa ra xét xử nhanh chóng, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp một cách chính đáng, kịp thời của đương sự.

Sau khi khai mạc phiên tòa, thẩm phán tiến hành hòa giải theo quy định. Trường hợp các đương sự thỏa thuận được với nhau về vấn đề giải quyết trong vụ án thì Thẩm phán ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, nếu không, Thẩm phán sẽ tiến hành xét xử vụ án. Phiên tòa xét xử vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn không có phần nghị án vì chỉ có một Thẩm phán tiến hành.

Bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án theo thủ tục rút gọn vẫn có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Thủ tục xét xử phúc thẩm cũng được xây dựng theo hướng rút gọn, do 1 Thẩm phán tiến hành.

Ông Nguyễn Xuân Chiến, Chánh án Tòa án Dân sự tỉnh cho biết, việc xét xử theo thủ tục rút gọn trước đây chỉ áp dụng trong việc xét xử hình sự. Kể từ 1/7/2016, các vụ án dân sự cũng được phép áp dụng thủ tục này. Việc áp dụng thủ tục này được thực hiện ở cấp sơ thẩm là chủ yếu. Tòa án nhân dân 2 cấp của tỉnh đã tiến hành tập huấn để triển khai, áp dụng những quy định mới trong việc áp dụng thủ tục rút gọn trong xét xử vụ án dân sự.

Linh Thư