Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Pháp luật - Ngày đăng : 09:45, 26/09/2022
Đại hội XIII của Đảng tiếp tục xác định rõ công tác PCTN, TC “là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng, củng cố hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc”. Chỉ thị số 50-CT/TW, ngày 7/12/2015 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng” nêu rõ: Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, nhà nước, đoàn thể, cơ quan, đơn vị phải gương mẫu thực hiện và có trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo công tác PCTN; chủ động tự phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng trong tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Kết quả công tác PCTN là thước đo đánh giá phẩm chất, năng lực, trách nhiệm và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu. Đồng thời, chỉ thị nhấn mạnh: “Xử lý kịp thời, nghiêm minh người đứng đầu để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình trực tiếp lãnh đạo, quản lý nhưng không chủ động phát hiện, xử lý, nhất là đối với trường hợp bao che, ngăn cản việc phát hiện, xử lý tham nhũng”.
Tranh minh họa. Nguồn: tuyengiao.vn |
Luật PCTN năm 2018 (Chương IV, từ Điều 70 đến Điều 73) quy định về trách nhiệm người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong PCTN và việc áp dụng biện pháp tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác, khi để xảy ra tham nhũng tại cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách và xử lý trách nhiệm khi để xảy ra tham nhũng. Bên cạnh đó, nhằm kịp thời phát hiện dấu hiệu tham nhũng trong cơ quan tổ chức, đơn vị, Luật PCTN năm 2018 quy định về công tác kiểm tra, tự kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước (từ Điều 55 đến Điều 58) quy định việc PCTN ngay trong các cơ quan PCTN nhằm ngăn chặn hành vi lạm quyền, nhũng nhiễu và các hành vi khác vi phạm pháp luật về hoạt động PCTN bằng quy định việc kiểm tra hoạt động PCTN trong cơ quan thanh tra, kiểm toán Nhà nước, cơ quan điều tra, viện kiểm sát nhân dân, tòa án nhân dân (Điều 58).
Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 xác định một trong những nhiệm vụ PCTN, TC xuyên suốt, chủ đạo đó là: Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các cấp trong công tác PCTN, TC. Trọng tâm, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải thật sự coi công tác PCTN là một nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp phải cam kết về sự liêm khiết và kiên quyết đấu tranh PCTN. Người đứng đầu phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc thi hành công vụ của cán bộ, công chức; tổ chức thực hiện các biện pháp PCTN, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng tham nhũng, lãng phí trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình phụ trách.
Căn cứ Quy định số 67-QĐ/TW ngày 2/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, chế độ làm việc, quan hệ công tác của ban chỉ đạo PCTN, TC tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, ngày 29/6/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quyết định số 529-QĐ/TU về thành lập Ban Chỉ đạo PCTN, TC tỉnh Đắk Nông. Cùng với đó, Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 18-CT/TU về trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo về công tác PCTN, TC nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo về công tác PCTN; triển khai đầy đủ, đồng bộ và có hiệu quả các biện pháp PCTN trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.