Ì ạch giao đất nông, lâm nghiệp cho địa phương
Pháp luật - Ngày đăng : 08:39, 24/11/2022
Tháng 12/2019, UBND tỉnh Đắk Nông phê duyệt phương án sử dụng đất tổng thể do các công ty nông, lâm nghiệp bàn giao về địa phương quản lý.
Theo đó, diện tích dự kiến thu hồi từ các công ty nông lâm nghiệp và bàn giao về cho địa phương quản lý vào khoảng 79.600 ha. Đến nay, UBND tỉnh mới chỉ thu hồi, bàn giao được hơn 60.700 ha; còn 18.800 ha vẫn chưa thực hiện được.
Tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Sơn (Đắk Glong), diện tích dự kiến bàn giao về cho địa phương là hơn 6.600 ha. Lãnh đạo Công ty cho biết, hiện rất nhiều diện tích đất này đã bị người dân lấn chiếm, sử dụng.
Nhiều diện tích đất có nguồn gốc nông, lâm trường tại Đắk Glong dự kiến bàn giao về cho địa phương quản lý đang bị lấn, chiếm |
Còn tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đức Hòa, tình trạng lấn chiếm đất lâm nghiệp càng diễn ra phức tạp hơn. Không chỉ trên diện tích gần 2.300 ha dự kiến bàn giao về địa phương, rất nhiều khu vực khác do Công ty này quản lý đang bị người dân lấn, chiếm.
Hiện trạng nhiều khu vực dự kiến bàn giao về địa phương đã cơ bản thay đổi. Đất rừng bị lấn, chiếm ở quy mô lớn và cây trồng của người dân mọc lên ngày càng nhiều.
Ở Công ty TNHH MTV Nam Nung, có gần 5.000 ha dự kiến bàn giao về cho địa phương, nhưng UBND tỉnh Đắk Nông chưa có quyết định thu hồi. Trong khu vực này, giữa người dân địa phương và Công ty thường xuyên xảy ra tranh chấp đất đai.
Từ tranh chấp này đã làm phát sinh đơn thư khiếu nại, khiếu kiện vượt cấp và kéo dài. Lãnh đạo tỉnh đã nhiều lần đối thoại, nhưng tới nay vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm.
Tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng tại các công ty nông, lâm nghiệp sau sắp xếp, đổi mới vẫn diễn biến phức tạp |
Theo Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Nông Lê Quang Dần, tình hình lấn, chiếm đất đai của các công ty nông, lâm nghiệp diễn biến phức tạp trong nhiều năm qua.
Trên địa bàn tỉnh đã tồn tại một số “điểm nóng” về lấn chiếm đất lâm nghiệp như: Công ty TNHH MTV Nam Nung, Công ty TNHH MTV Cà phê Đắk Nông, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đức Hòa...
Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Đắk Nông đã có văn bản giao cho các công ty nông, lâm nghiệp rà soát lại tất cả các diện tích đang quản lý. Trên cơ sở kết quả rà soát, các đơn vị thực hiện điều chỉnh lại đề án sắp xếp, đổi mới.
Thế nhưng, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, việc rà soát vẫn chưa có kết quả cụ thể. Trong đó, kinh phí phục vụ việc rà soát chưa có là nguyên nhân lớn nhất.
Đất đai có nguồn gốc nông, lâm trường bị lấn chiếm nằm xen kẽ gần rừng, tạo ra áp lực không nhỏ trong quản lý, bảo vệ |
Theo Giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Văn Hiệp, việc đo đạc, lập bản đồ địa chính và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với đất có nguồn gốc đất nông, lâm trường của Đắk Nông cần trên 253 tỷ đồng.
Nhưng hiện tại, kinh phí để bố trí đo đạc, cắm mốc và lập bản đồ địa chính còn thiếu. Để giải quyết các tồn tại này, UBND tỉnh Đắk Nông đã có tờ trình gửi Bộ TN-MT đề xuất Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ kinh phí cho địa phương. Nhưng thực tế vẫn còn phải... chờ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Lê Trọng Yên cho hay, việc đo đạc, lập hồ sơ địa chính, xây dựng bộ dữ liệu địa chính đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường bàn giao về cho địa phương quản lý cần nguồn kinh phí rất lớn.
Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, Đắk Nông rất mong Trung ương hỗ trợ để việc quản lý đất đai ngày càng tốt hơn.