“Phiên tòa giả định” - cách làm sáng tạo trong tuyên truyền pháp luật
Pháp luật - Ngày đăng : 09:19, 02/12/2022
Lôi cuốn, thực tế
Kịch bản “Phiên tòa giả định” được xây dựng dựa trên tình tiết một vụ án đánh người gây thương tích có thật xảy ra trong trường học. Theo cáo trạng trình bày tại “Phiên tòa giả định”, Điệp và Chi đã nảy sinh tình cảm với nhau khi đang học lớp 11. Chi kể cho Điệp nghe việc Nam là bạn học cùng trường thường xuyên theo đuổi mình. Nghe vậy, Điệp vô cùng bực tức nên hẹn gặp Nam để nói chuyện. Tại cuộc gặp, Điệp cảnh cáo Nam không được làm phiền Chi - bạn gái của mình. Tuy nhiên, Nam không nghe và có thái độ thách thức Điệp.
Hai bên xảy ra tranh cãi, Điệp đã dùng chân, tay đánh, đá vào người Nam. Tức giận vì bị đánh, Nam đã cầm viên gạch đập vào đầu của Điệp làm Điệp ngã ra đất, bất tỉnh. Điệp bị tụ máu ngoài màng cứng, tỷ lệ thương tật 28%. Nam bị truy tố và đưa ra xét xử vì tội cố ý gây thương tích theo Điều 134, Bộ luật Hình sự.
“Phiên tòa giả định” được đoàn viên, thanh niên Cụm thi đua số 1 tổ chức với đầy đủ trình tự, thủ tục, thành phần theo quy định trong thực tế |
"Phiên tòa giả định" diễn ra với đầy đủ trình tự, thủ tục, thành phần theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự. Các “vai diễn”, nhất là vai “bị cáo” được lựa chọn bảo đảm phù hợp với tâm lý, sự hiểu biết pháp luật của học sinh - thanh thiếu niên tham dự tại phiên tòa. Các hoạt cảnh giải thích tình tiết vụ án được diễn rất đời thực, hài hước, lôi cuốn đối với các em học sinh và mọi người tham dự. Người xem hiểu rõ hơn những quy định của pháp luật về hành vi phạm tội, mức án áp dụng cũng như hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng, tính nghiêm minh của pháp luật thông qua phần xét hỏi, tranh tụng và tuyên án tại phiên tòa.
Em Võ Minh Thư, lớp 10A1, Trường THPT Nguyễn Tất Thành chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi được biết đến cách thức hoạt động của một phiên tòa. Việc tuyên truyền qua hình thức này thật sự rất lôi cuốn, thực tế. Qua đó, tôi đã thấy được việc dùng vũ lực để giải quyết mâu thuẫn sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng ra sao và đây là một bài học bổ ích cho lứa tuổi chúng tôi. Mong rằng, các anh chị tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền pháp luật sinh động như thế này hơn nữa dành cho học sinh”.
Sôi nổi phần giao lưu, hỏi đáp các kiến thức pháp luật và đời sống |
Dễ nắm bắt quy định pháp luật
Được biết, mô hình "Phiên tòa giả định" được Chi đoàn TAND tỉnh, Chi đoàn Viện KSND tỉnh phối hợp với các chi đoàn trong cụm thi đua tổ chức thực hiện tại một số trường học trên địa bàn. Cùng với việc “sân khấu hóa” những vụ án, tình huống pháp lý, người tham gia còn được tham gia giao lưu, hỏi đáp liên quan đến các nội dung, tình tiết của “Phiên tòa giả định” vừa xem; các vấn đề pháp lý khác thường gặp trong cuộc sống. Phần giao lưu diễn ra rất sôi nổi, nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các bạn trẻ. Qua đó, chất lượng tuyên truyền pháp luật được nâng cao, gần gũi, dễ nắm bắt.
Anh Nguyễn Minh Tú, Ủy viên Ban Chấp hành Chi đoàn TAND tỉnh cho biết: “Để thực hiện "Phiên tòa giả định", chúng tôi đã lên kịch bản, tập luyện vai diễn với những lời thoại ngắn gọn, súc tích sao cho thu hút, dễ hiểu, gần gũi với các em học sinh. Mong rằng, qua buổi tuyên truyền giúp học sinh nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, có ý thức, chuẩn mực trong hành vi, lối sống, trở thành những người công dân gương mẫu, có ích cho xã hội”.
Tuyên truyền pháp luật qua "Phiên tòa giả định" là một cách làm sáng tạo, đổi mới trong công tác tuyên truyền pháp luật cho giới trẻ trong tình hình hiện nay. Hoạt động thể hiện được màu sắc riêng của tuổi trẻ Cụm thi đua số 1 nói riêng, Đoàn khối Các cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh nói chung, gắn chuyên môn, nghiệp vụ trong các hoạt động tình nguyện của tuổi trẻ. Qua "Phiên tòa giả định", đoàn viên, thanh niên nhất là các em học sinh được tuyên truyền một cách trực quan, sinh động các quy định của pháp luật hiện hành, hậu quả của các hành vi vi phạm pháp luật, góp phần nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật của giới trẻ hiện nay.