Chấn chỉnh hoạt động môi giới bất động sản
Pháp luật - Đời sống - Ngày đăng : 09:09, 03/06/2022
Chị Nguyễn Thị Huyền, phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa) cho biết: “Đắk Nông hiện nay đang có rất nhiều dự án lớn chuẩn bị triển khai, gây tác động lớn đến thị trường BĐS. Vì vậy, hoạt động môi giới BĐS cần được quản lý tốt để tránh nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp. Thực tế, nhiều người có đất muốn bán thì gặp khó mà người có tiền cũng không mua được giá ưng ý do bị môi giới ém thông tin, kê giá cao”.
Tham gia theo dõi và cập nhật thị trường BĐS tại địa phương, ông Trần Văn Hà, ở phường Nghĩa Tân (Gia Nghĩa) nhận xét: “Tôi thấy thời gian qua, hoạt động môi giới đất ở mình hơi nhốn nháo, nhà nhà, người người chuyển qua đi làm môi giới đất. Việc quy định phải có chứng chỉ hành nghề và có chế tài xử phạt nặng đối với các hành vi vi phạm trong hoạt động môi giới BĐS là rất cần thiết, mới khiến hoạt động môi giới trở nên chuyên nghiệp, ngăn chặn các trường hợp lừa đảo, lũng đoạn thị trường, gây thiệt hại cho người mua và người bán chân chính”.
Môi giới BĐS là ngành dịch vụ rất phổ biến, các cá nhân, tổ chức sẽ làm trung gian cho các bên trong mua bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua lại BĐS. Luật Kinh doanh BĐS quy định, mọi cá nhân đều có quyền kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS độc lập, nhưng phải có chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS và đăng ký nộp thuế theo quy định pháp luật về thuế.
Ảnh minh họa |
Quy định là vậy, nhưng trong thực tế luật vẫn chưa được thực thi nghiêm do thiếu chế tài xử lý hoặc có nhưng chưa đủ sức răn đe. Trước thực trạng đó, mới đây, Chính phủ ban hành Nghị định số 16/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng, nhằm lập lại trật tự trong lĩnh vực này, nhất là đối với hoạt động môi giới BĐS.
Điều 59, Nghị định 16 quy định sử phạt từ 40-60 triệu đồng đối với các hành vi: kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS độc lập mà không có chứng chỉ hành nghề hoặc chứng chỉ hết thời hạn sử dụng theo quy định; tẩy xóa, sửa chữa chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS làm sai lệch nội dung chứng chỉ; cho mượn, cho thuê hoặc thuê, mượn chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS để thực hiện các hoạt động liên quan đến môi giới BĐS; tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS đồng thời vừa là nhà môi giới, vừa là một bên thực hiện hợp đồng trong một giao dịch kinh doanh BĐS.
Mức phạt từ 120-160 triệu đồng áp dụng đối với một trong các hành vi: kinh doanh dịch vụ BĐS mà không thành lập doanh nghiệp theo quy định hoặc không đủ số người có chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS theo quy định hoặc chứng chỉ hành nghề hết thời hạn sử dụng; hợp đồng kinh doanh dịch vụ BĐS không được lập thành văn bản hoặc không đầy đủ các nội dung chính theo quy định; thu các loại phí kinh doanh dịch vụ BĐS mà pháp luật không quy định…
Đặc biệt, hành vi không cung cấp, cung cấp không đầy đủ hoặc cung cấp không trung thực hồ sơ, thông tin về BĐS mà mình môi giới; BĐS được đưa lên sàn giao dịch BĐS nhưng không đủ điều kiện theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 200-250 triệu đồng.
Nghị định 16 cũng quy định về hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề, đình chỉ hoạt động kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch BĐS đối với một số hành vi vi phạm nêu trên. Một trong những quy định mới của Nghị định 16 là khi vi phạm về quản lý, ứng dụng, công khai thông tin nhà ở và thị trường BĐS sẽ bị phạt từ 60-80 triệu đồng.
Với mức phạt cao, quy định chi tiết các hành vi vi phạm, nhiều người tin tưởng rằng Nghị định 16 khi đi vào cuộc sống sẽ góp phần chuẩn hóa nghề môi giới BĐS, giúp thị trường này phát triển ổn định hơn và ngăn chặn tình trạng “cò đất” hoạt động trái phép, cũng như tình trạng đầu cơ, thổi giá đất…