Phòng chống tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản cần quyết liệt hơn
Pháp luật - Đời sống - Ngày đăng : 09:15, 27/07/2022
Tuyên truyền chưa sâu rộng
Theo thống kê, từ ngày 25/5/2021 đến ngày 24/5/2022, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã phát hiện xảy ra 23 vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, giảm 13 vụ so với cùng kỳ (23/36 vụ). Công an toàn tỉnh đã tiếp nhận 52 nguồn tin về tội phạm liên quan đến lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tổng trị giá tài sản bị chiếm đoạt trên 28,17 tỷ đồng. Cơ quan chức năng cũng khởi tố 23 vụ, 29 bị can liên quan đến lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Qua nhận định, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên địa bàn tỉnh Đắk Nông giảm về số vụ nhưng còn diễn biến phức tạp về tính chất và mức độ thiệt hại, với nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau, nhất là sử dụng công nghệ cao để gây án.
Nguyên nhân một phần là do công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng ngừa các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản chưa sâu rộng, chưa tới được đối tượng có nguy cơ cao. Người dân chưa tiếp cận kịp thời, đầy đủ, chính xác thông tin, nhất là các thông tin về quy hoạch, chế độ, chính sách an sinh xã hội, đầu tư, bất động sản, hoạt động sản xuất kinh doanh...nên dễ bị tội phạm lợi dụng hoạt động phạm tội.
Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước ở nhiều lĩnh vực như tài chính, ngân hàng, không gian mạng, đất đai, công chứng... còn bộc lộ những sơ hở, thiếu sót. Công tác phối hợp, trao đổi, tích lũy thông tin, tài liệu giữa các sở, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương các cấp còn hạn chế, chưa thường xuyên, liên tục. Cấp ủy, người đứng đầu một số địa phương cấp cơ sở thiếu quyết liệt trong chỉ đạo phòng ngừa, xử lý các hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản mặc dù đã được tập trung chỉ đạo thực hiện nhưng các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả còn hạn chế. Kinh phí, trang thiết bị, phương tiện hỗ trợ phục vụ công tác phòng ngừa, đấu tranh tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản còn hạn chế, khó khăn, chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.
Phương thức, thủ đoạn hoạt động của loại tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản ngày càng tinh vi, đa dạng, trong khi một bộ phận người dân trình độ nhận thức còn hạn chế, thiếu cảnh giác, nhẹ dạ, cả tin, chủ quan, lơ là.
Thông tin về thủ đoạn lừa đảo được cảnh báo trên mạng xã hội |
Huy động sức mạnh tổng hợp
Trước diễn biến phức tạp của tội phạm, đặc biệt là tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, UBND tỉnh yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân tích cực tham gia công tác phòng ngừa, tố giác tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản cần được duy trì thường xuyên; kịp thời thông báo những phương thức, thủ đoạn của tội phạm để người dân nâng cao ý thức cảnh giác, kỹ năng phòng ngừa đối với loại tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Các chủ trương phát triển kinh tế- xã hội, quy hoạch, xây dựng...cần được thông tin rộng rãi, kịp thời, công khai, minh bạch để người dân được biết. Người dân cũng cần được thường xuyên thông báo về hành vi, phương thức, thủ đoạn hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản để đề cao cảnh giác, chủ động phòng ngừa, tự bảo vệ tài sản.
Cùng với nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh trật tự, các ngành chức năng tăng cường phối hợp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, phát huy hiệu quả hoạt động của các mô hình “tổ tự quản” tại các địa phương, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Lực lượng công an phát huy vai trò chủ công, chủ động nắm chắc tình hình, áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ; chú trọng rà soát, kịp thời phát hiện, lập danh sách, phân công, phân cấp đấu tranh, triệt xóa các băng nhóm, đường dây hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản có tổ chức, gây hậu quả nghiêm trọng, bức xúc trong Nhân dân liên quan đến nhiều địa phương, đặc biệt là tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.
Các sở, ban, ngành, đoàn thể và chính quyền các cấp nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự; thường xuyên rà soát, đánh giá các lĩnh vực dễ phát sinh các hoạt động lừa đảo như: đất đai, bất động sản, tài chính, ngân hàng, đầu tư, kinh doanh, không gian mạng... khắc phục sơ hở, thiếu sót, bất cập nhằm nâng cao hiệu quả phòng, chống tội phạm lừa đảo lợi dụng hoạt động.
Các ngành Công an, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân tăng cường phối hợp trong đánh giá chứng cứ, thu thập tài liệu, giám định, khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ điều tra, đưa ra truy tố, xét xử các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản có tính chất phức tạp, dư luận xã hội quan tâm theo đúng quy định của pháp luật, phục vụ công tác tuyên truyền, răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung.