Cảnh giác, phòng ngừa, đấu tranh hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Pháp luật - Đời sống - Ngày đăng : 08:24, 01/08/2022
Đa dạng hình thức tuyên truyền
Theo đánh giá, trước khi Chỉ thị số 21 được ban hành, tình hình hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên địa bàn tỉnh Đắk Nông diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, gây thiệt hại lớn về tài sản, bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống Nhân dân. Nguyên nhân của tình trạng trên là do công tác tuyên truyền, phổ biến về chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước trong phòng ngừa các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản tuy đã được thực hiện nhưng chưa thường xuyên, sâu rộng. Người dân chưa tiếp cận kịp thời, đầy đủ, chính xác thông tin.
Các quy định pháp luật trên một số lĩnh vực có liên quan còn chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ, chưa phù hợp với thực tiễn, chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời. Bên cạnh đó, một bộ phận quần chúng Nhân dân nhận thức còn hạn chế, nhẹ dạ, cả tin, hám lợi, mất cảnh giác để tội phạm lợi dụng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Thực hiện Chỉ thị số 21 các sở, ban, ngành, đoàn thể, chính quyền các cấp tăng cường tuyên truyền, phổ biến nội dung chỉ thị, các chỉ đạo của UBND tỉnh, quy định của pháp luật. Trọng tâm tập trung vào những phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm và vi phạm pháp luật lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Việc tuyên truyền tập trung hướng đến những người dân ở vùng sâu, vùng xa, những người ít tiếp xúc với phương tiện thông tin đại chúng. Các kết quả đấu tranh của lực lượng chức năng trong phòng, chống tội phạm để giúp người dân nâng cao ý thức cảnh giác, kịp thời tố giác tội phạm, hỗ trợ cơ quan chức năng trong việc phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản cũng được đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền.
Hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú, như đăng tải, chia sẻ các bài viết tuyên truyền trên mạng xã hội facebook, zalo, phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống truyền thanh các xã, phường, thị trấn, nơi tập trung đông dân cư; niêm yết cảnh báo phòng ngừa tội phạm sử dụng công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại các địa điểm giao dịch ngân hàng, cây rút tiền tự động; phối hợp với các nhà mạng viễn thông gửi tin nhắn cảnh báo tới điện thoại di động của người dân...
Đi đôi với đó, lực lượng công an, chính quyền các cấp quan tâm xây dựng, phát động các mô hình phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Vai trò hoạt động của Tổ tự quản an ninh trật tự được phát huy, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, kịp thời phát hiện, đấu tranh với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Bộ đội biên phòng tỉnh phát tờ rơi tuyên truyền đến người dân xã Thuận Hạnh (Đắk Song) hoạt động buôn bán người, phòng chống xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới |
Công an tỉnh Đắk Nông, Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo, đài địa phương có nhiều tin, bài tuyên truyền. Cụ thể, Đài PT-TH Đắk Nông đã thực hiện và phát sóng 18 tin, bài, Báo Đắk Nông có hơn 80 lượt tin, bài, bản tin tuyên truyền về nội dung liên quan đến tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên các sản phẩm báo chí.
Các cấp bộ Đoàn thực hiện tuyên truyền bằng nhiều hình thức khác nhau, trong đó tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các trang thông tin điện tử, các trang mạng xã hội của Đoàn – Hội – Đội các cấp với hơn 200 tin bài đăng tải. Đoàn xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh tổ chức được hơn 1.230 hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật với hơn 20.157 lượt thanh thiếu nhi tham gia. Trong đó, có hơn 160 hoạt động tuyên truyền, phát hơn 700 tờ rơi tuyên truyền về phòng chống lừa đảo chiếm đoạt tài sản thu hút hơn 1.750 lượt đoàn viên thanh niên và bà con Nhân dân đến tham dự…
Đấu tranh quyết liệt với tội phạm lừa đảo
Thời gian qua, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên địa bàn tỉnh Đắk Nông giảm về số vụ nhưng còn diễn biến phức tạp về tính chất và mức độ thiệt hại, với nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau, nhất là sử dụng công nghệ cao để gây án. Cụ thể, tính từ ngày 25/5/2021 đến ngày 24/5/2022, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã phát hiện xảy ra 23 vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, giảm 13 vụ so với cùng kỳ (23/36 vụ = 36,1%).
Viện KSND tỉnh và các huyện, thành phố đã truy tố 31 vụ án, 61 bị can lừa đảo chiếm đoạt tài sản. TAND hai cấp tỉnh thụ lý 44 vụ án, 103 bị cáo liên quan đến tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản; đã giải quyết 39 vụ án, 98 bị cáo. Trong đó: xét xử 33 vụ án, 59 bị cáo; trả hồ sơ cho Viện KSND 6 vụ án, 39 bị cáo (truy tố và xét xử những vụ án xảy ra các năm trước kỳ báo cáo).
Cơ quan điều tra phối hợp với Viện KSND, TAND xét xử công khai các vụ án có tính điển hình, có tính thời sự, được dư luận quan tâm để nâng cao hiệu quả phòng ngừa, tuyên truyền quần chúng Nhân dân tham gia phòng, chống tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Các cơ quan giám định, định giá tài sản, các sở, ban, ngành liên quan đã cung cấp tài liệu chứng cứ về thông tin tài khoản ngân hàng, đất đai theo yêu cầu của cơ quan điều tra đầy đủ.
Đặc biệt, lực lượng chức năng đã điều tra, khám phá nhiều chuyên án, vụ án lớn, được các ngành, các cấp ghi nhận và đánh giá cao, Nhân dân đồng tình ủng hộ, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống Nhân dân. Điển hình như vụ Nguyễn Thị Kiều (sinh năm 1997, trú tại thôn 10, xã Trường Xuân, huyện Đắk Song) có hành vi thông qua mạng xã hội facebook đăng hình ảnh bán trái cây, các mặt hàng nông sản để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của 138 người bị hại với tổng số tiền trên 560 triệu đồng…
Tuy nhiên, theo nhận định của cơ quan chức năng, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 được kiềm chế, xuất hiện điều kiện mới cho hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lợi dụng hoạt động với những phương thức, thủ đoạn khác nhau. Ngoài các thủ đoạn lừa đảo truyền thống thì các phương thức, thủ đoạn mới như tội phạm sử dụng công nghệ cao để chiếm đoạt tài sản ngày càng diễn biến phức tạp hơn qua không gian mạng. Phương thức, thủ đoạn phức tạp, tinh vi rất khó khăn cho việc phát hiện, phòng ngừa, bắt giữ, xử lý. Vì vậy, Chỉ thị số 21 sẽ được Đắk Nông tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả để nhanh chóng, kịp thời đấu tranh, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo đó, cùng với nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về an ninh trật tự thì việc tăng cường tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật. Trọng tâm là tập trung thông tin rộng rãi, kịp thời, công khai, minh bạch trong Nhân dân về chủ trương phát triển kinh tế, an sinh xã hội, quy hoạch, xây dựng… đồng thời thông báo về hành vi, phương thức, thủ đoạn hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản để mỗi người dân đề cao cảnh giác, chủ động phòng ngừa, tự bảo vệ tài sản.