Đắk Glong tăng cường đấu tranh chống nạn buôn bán người

Trật tự - Ngày đăng : 10:15, 17/01/2014

Theo các cơ quan chức năng, trong 3 năm gần đây, trên địa bàn huyện Đắk Glong đã xảy ra 7 vụ buôn bán phụ nữ và trẻ em gái.

Qua phân tích cho thấy, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như: Địa bàn rộng, dân cư phân bố không đều là điều kiện để các đối tượng buôn bán người dễ dàng đến ẩn náu, thực hiện hành vi phạm tội.

Công an huyện Đắk Glong tuyên truyền cho người dân xã Đắk R'măng về các âm mưu, thủ đoạn buôn bán người

Cùng với đó, hầu hết bà con là người đồng bào dân tộc thiểu số có trình độ dân trí thấp nên dễ bị các đối tượng lợi dụng, dụ dỗ. Từ thực tế những vụ mua bán người xảy ra trên địa bàn cho thấy, các đối tượng phạm tội thường có hộ khẩu thường trú ở các tỉnh khác đến và cấu kết với những đối tượng hiện đang sinh sống tại địa phương để thực hiện âm mưu buôn bán người.

Những đối tượng này đã lợi dụng sự nhẹ dạ, thiếu hiểu biết của một số phụ nữ, trẻ em, thanh thiếu niên ở vùng sâu, vùng xa để lừa gạt, cưỡng ép bán họ cho các chủ chứa mại dâm. Một số khác thì lợi dụng tâm lý muốn lấy chồng lừa bán họ cho các tụ điểm mại dâm dọc biên giới hoặc người nước ngoài mua về làm vợ.

Điều đáng lo ngại hơn, các đối tượng buôn bán người còn tìm mọi cách đẩy bị hại vào con đường sa ngã như: cho hút cần sa, chích ma túy... Khi nạn nhân bị quẫn bách về kinh tế, các đối tượng này sẽ ép buộc làm theo ý định, cạm bẫy mà chúng đã đặt ra. Có những trường hợp, các đối tượng buôn bán người trực tiếp bắt cóc những trẻ em, thanh thiếu niên lang thang, cơ nhỡ để tránh sự chú ý của cộng đồng.

Một hình thức phổ biến được các đối tượng này sử dụng nữa là thông qua dịch vụ chát trên Internet để làm quen với các em gái rồi giả vờ hò hẹn, yêu đương, rủ lên các tỉnh biên giới mua sắm, du lịch để dễ dàng bán ra nước ngoài.

Nhiều thủ đoạn khác như thông qua các công ty môi giới hôn nhân, thông báo trên mạng Internet tuyển dụng xuất khẩu lao động, tìm việc làm ở nước ngoài để có thu nhập cao nhằm thu hút những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tự tìm đến.

Để gây dựng lòng tin với những người bị hại, các đối tượng buôn bán người thường cho nạn nhân hoặc gia đình nạn nhân ứng trước một khoản tiền, từ đó dễ dàng hợp pháp hóa các giấy tờ xuất ngoại. Chính vì vậy, hầu hết các nạn nhân khi ra đến nước ngoài mới phát hiện ra mình bị lừa.

Theo ông Bùi Văn Duyên, Phó Công an huyện Đắk Glong thì để giảm thiểu số vụ buôn bán người trên địa bàn, đơn vị đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể để đa dạng các hình thức tuyên truyền.

Trong đó, chú trọng việc tổ chức tuyên truyền trực tiếp ở các cụm dân cư để giúp bà con nâng cao nhận thức và cảnh giác trước các âm mưu, thủ đoạn của kẻ xấu. Cùng với đó, các địa phương cũng kiểm soát chặt chẽ số người đến cư trú và người địa phương rời đi để kịp thời phát hiện các trường hợp liên quan đến buôn bán người.

Va Ly