Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nhân dân về tệ nạn buôn bán người

Trật tự - Ngày đăng : 09:06, 12/12/2014

Thời gian gần đây, tình trạng buôn bán người trên địa bàn tỉnh đang trở thành một vấn nạn và diễn biến ngày càng phức tạp. Phóng viên (P.V) Báo Đắk Nông đã có cuộc trao đổi với Thượng tá Bùi Văn Khẩu, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh xung quanh vấn đề này.

Thượng tá Bùi Văn Khẩu, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an tỉnh

PV: Đồng chí có thể cho biết, hiện nay, trên địa bàn tỉnh, tệ nạn buôn bán người đang diễn biến như thế nào?
Thượng tá Bùi Văn Khẩu: Có thể nói, từ năm 2013 đến nay, tệ nạn buôn bán người trên địa bàn tỉnh diễn biến khá phức tạp, với tính chất và thủ đoạn hoạt động nghiêm trọng, tinh vi, xảo quyệt; thậm chí có những trường hợp có tổ chức chặt chẽ và có tính chất xuyên quốc gia.

Thông qua công tác nghiệp vụ, lực lượng công an xác định có khoảng 76 phụ nữ, chủ yếu là người dân tộc thiểu số, có tuổi đời từ 16-30 tuổi vắng mặt khỏi địa phương. Trong số các trường hợp “mất tích” này, khoảng hơn một nửa có thể khẳng định là nạn nhân của các đường dây buôn bán người, hoặc bị dụ dỗ lấy chồng qua Trung Quốc.

Cụ thể ở các địa bàn như: Tuy Đức: 14 vụ, Đắk Glong: 35 vụ, Đắk Song: 5 vụ… Với nhiều biện pháp đấu tranh nghiệp vụ, lực lượng công an các cấp trên địa bàn tỉnh đã triệt xóa 10 đường dây buôn bán người, bắt xử lý 19 đối tượng tội phạm, giải cứu được 11 nạn nhân.

PV: Các đối tượng buôn bán người thường sử dụng những chiêu thức gì để buôn bán người ra nước ngoài?

Thượng tá Bùi Văn Khẩu: Qua đấu tranh với loại tội phạm này cho thấy, các đối tượng buôn bán người thường có hộ khẩu thường trú ở các tỉnh phía Bắc vào địa bàn tỉnh, cấu kết với những đối tượng đang sinh sống tại địa phương để thực hiện âm mưu buôn bán người.

Chiêu thức mà các đối tượng sử dụng phổ biến nhất là dùng điện thoại, các dịch vụ trên internet để làm quen với các cô gái trẻ, thậm chí cả những người đã có gia đình rồi tán tỉnh, giả vờ yêu đương, rủ rê về các tỉnh biên giới để ra mắt gia đình, cưới hỏi hoặc đi du lịch, từ đó dễ dàng bán ra nước ngoài.

Các đối tượng buôn bán người còn trực tiếp về các địa phương vùng sâu, vùng xa, lợi dụng người dân còn kém hiểu biết, không có công ăn việc làm ổn định để dụ dỗ, lừa gạt, hứa hẹn tìm kiếm việc làm với mức thu nhập cao, sau đó lừa bán cho các tụ điểm mại dâm hoặc cưỡng ép lao động bất hợp pháp.

PV: Sau khi bị lừa bán qua nước ngoài, điều kiện cuộc sống của các nạn nhân thường là như thế nào?

Thượng tá Bùi Văn Khẩu: Trong quá trình triệt phá một số đường dây buôn bán người cũng như việc các nạn nhân trốn thoát từ nước ngoài đến khai báo cho thấy, hầu hết các nạn nhân sau khi bị lừa bán qua nước ngoài sinh sống dưới 3 hình thức.

Thứ nhất, các nạn nhân bị bán cho những người đàn ông nước ngoài có nhu cầu lấy về làm vợ. Những người đàn ông nước ngoài này thường có hoàn cảnh hết sức khó khăn, không có điều kiện lấy các cô gái bản địa, nên những nạn nhân bị lừa bán cũng phải sinh sống trong điều kiện lam lũ, khổ cực hơn cả trong nước.

Thứ hai là có một bộ phận các nạn nhân bị bán vào các trang trại sản xuất nông nghiệp. Ở nơi đây, hầu hết các nạn nhân đều bị bóc lột sức lao động quá sức, làm việc trong điều kiện mất an toàn, trong khi lại không được nhận tiền thù lao.

Thứ ba, phổ biến nhất hiện nay là những cô gái trẻ đẹp thường bị bán vào các động mại dâm, hàng ngày bị ép bán dâm nhiều lần, nhưng đều bị “tú bà” chiếm đoạt hết tiền.

Điều đáng nói nữa là những nạn nhân sau khi bị bán qua nước ngoài thì bị cách ly hoàn toàn với đời sống xã hội ở nước bạn, bị hạn chế quyền đi lại, thậm chí còn bị theo dõi sát sao nên ít có cơ hội trốn thoát về nước.

PV: Trong thời gian tới, để kéo giảm tình trạng buôn bán người thì cần phải có những biện pháp đặc trị gì?  

Thượng tá Bùi Văn Khẩu: Qua thực tế cũng như phân tích hoạt động của loại tội phạm buôn bán người này cho thấy, để kéo giảm, ngăn chặn tình trạng buôn bán người thì cần phải có sự phối hợp đồng bộ từ nhiều phía, nhiều khâu.

Theo đó, bên cạnh sự vào cuộc của lực lượng công an, thì điều quan trọng nhất là các cấp chính quyền, đoàn thể địa phương, nhất là ở vùng sâu, vùng xa cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về tệ nạn buôn bán người. Các cấp chính quyền cũng cần chú trọng đến công tác giải quyết việc làm cho người dân. Vì khi có công ăn việc làm đầy đủ, không quá bị thúc bách về vấn đề thu nhập, người dân sẽ không bị rơi vào tình trạng "nhắm mắt đưa chân" mà còn tăng thêm nhận thức, sự hiểu biết về mọi mặt.

Mặt khác, việc tăng cường kiểm soát chặt chẽ số người đến cư trú, quản lý nhân khẩu, hộ khẩu, kết hôn… cũng là một biện pháp hữu ích nhằm góp phần quan trọng vào việc ngăn chặn, phòng ngừa có hiệu quả đối với loại tội phạm mua bán người.

Xin cảm ơn đồng chí!

Phan Tuấn thực hiện