Đắk Song, người dân bức xúc vì quy hoạch “treo” kéo dài đã 14 năm

Trật tự - Ngày đăng : 15:06, 04/07/2016

Năm 2002, UBND huyện Đắk Song công bố quy hoạch mở rộng diện tích Trường tiểu học Nguyễn Đình Chiểu nằm trên địa bàn thôn Đắk Kual, xã Đắk N’Drung. Tuy nhiên, đến thời điểm này, sau 14 năm quy hoạch, việc mở rộng nhà trường mới chỉ được thực hiện một phần. Vì vậy, hiện vẫn còn một số hộ dân có đất nằm trong diện quy hoạch chưa được thông báo thu hồi đất, đền bù theo quy định, làm ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế, sinh hoạt.

Khốn khổ vì dự án “treo”

Tại gia đình ông Nguyễn Văn Khánh ở thôn Đắk Kual, chúng tôi đã chứng kiến cảnh căn nhà gỗ xập xệ, xiêu vẹo, có thể đổ sập xuống bất cứ lúc nào. Thế nhưng, từ nhiều năm nay, gia đình ông Khánh vẫn phải “gồng mình” chịu đựng.

Theo ông Khánh, năm 2002, gia đình ông có khoảng 1.000m2 đất nằm trong diện quy hoạch để mở rộng Trường tiểu học Nguyễn Đình Chiểu, nhưng rất đồng thuận với chủ trương của chính quyền. Gia đình ông chỉ mong muốn huyện sớm ra quyết định thu hồi đất, đền bù theo đúng quy định để có điều kiện chuyển đến sinh sống, làm ăn ổn định ở một địa điểm khác. Tuy nhiên, đã 14 năm trôi qua, mong muốn chính đáng trên của gia đình ông vẫn chưa trở thành hiện thực.

Nhiều năm nay, gia đình ông Khánh vẫn phải ở trong ngôi nhà tạm bợ, xiêu vẹo mất an toàn

Ông Khánh than thở: “Thửa đất của gia đình tôi giờ có cũng như không, bởi theo quy định của pháp luật, đất đai đã bị quy hoạch thì không được xây dựng công trình, nhà cửa và trồng cây lâu năm. Căn nhà mà gia đình tôi đang ở đã rách nát, xiêu vẹo, xuống cấp nghiêm trọng, nhưng lại không thể xây mới. Mặt khác, trong khi chờ giải tỏa, từ năm 2002 đến nay, gia đình chỉ biết trồng rau màu mà không thể canh tác những cây trồng lâu năm có giá trị. Thu nhập từ việc trồng rau chẳng đáng là bao, khiến cho cuộc sống của gia đình tôi ngày càng lâm vào thế khó khăn”.

Cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, kể từ khi 2.800m2 đất nằm trong diện quy hoạch, cuộc sống của gia đình chị Nguyễn Thị Thủy cũng hết sức bấp bênh. Chị Thủy nói trong nước mắt: “Tài sản duy nhất của gia đình chỉ có mảnh đất này. Thế nhưng, do bị quy hoạch nên chuyện làm ăn của gia đình nhiều năm qua luôn rơi vào cảnh thất bát. Vào năm 2010, chồng tôi còn bị bệnh tim, nên cuộc sống càng rơi vào cảnh khó khăn trầm trọng, nhưng gia đình lại chẳng có thứ tài sản nào đáng giá. Gia đình chỉ mong huyện sớm công bố quyết định thu hồi đất, đền bù hoặc nếu không thì dỡ bỏ quy hoạch để gia đình có thể thực hiện việc đăng lý quyền sử dụng đất”.

Còn hộ anh Lê Văn Châu, nhiều năm luôn phải sinh sống trong ngôi nhà chật chội, xuống cấp nghiêm trọng, nên năm 2015 đã liều đi vay mượn tiền xây dựng căn nhà trị giá hơn 300 triệu trên một phần diện tích đất bị quy hoạch. Điều mà gia đình anh Châu cũng mong muốn là huyện sớm dỡ bỏ quy hoạch, để có thể làm “sổ đỏ”, thế chấp ngân hàng có tiền trả bớt nợ nần.

Dân chờ hành động cụ thể

Tại nhiều kỳ tiếp xúc cử tri, cũng như kiến nghị với chính quyền địa phương, các hộ gia đình nêu trên đã nhiều lần đề nghị cơ quan chức năng sớm giải quyết dứt điểm vấn đề quy hoạch này. Thế nhưng, từ nhiều năm nay vẫn không có ai quan tâm xử lý quyền lợi chính đáng cho người dân.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Duy Hiển, Trưởng Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Đắk Song xác nhận: “Đất đai của các hộ dân này đều nằm trong diện quy hoạch trường học. Tuy nhiên, thời gian qua, huyện không có kinh phí để đầu tư mở rộng, xây dựng trường lớp” (?).

Trên thực tế, việc quy hoạch “treo” suốt 14 năm qua khiến cuộc sống của người dân nơi đây gặp phải rất nhiều khó khăn, xây dựng mới không được, tách thửa, chuyển đổi mục đích sử dụng không xong, nên không thể có “sổ đỏ” để xác nhận quyền sử dụng đất của mình. Hơn nữa, người dân muốn đầu tư làm ăn lâu dài cũng không dám vì không biết lúc nào giải tỏa…

Trước tình trạng trên, chính quyền huyện Đắk Song cần sớm đưa ra hành động cụ thể về việc có tiếp tục mở rộng Trường tiểu học Nguyễn Đình Chiểu theo quy hoạch hoặc dỡ bỏ quy hoạch để các hộ dân nơi đây có thể ổn định cuộc sống.

Việc quy hoạch kéo dài như vậy còn trái với quy định của pháp luật. Cụ thể, tại Khoản 3, Điều 49, luật Đất đai năm 2013 nêu rõ: Diện tích đất ghi trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được công bố phải thu hồi để thực hiện dự án hoặc phải chuyển mục đích sử dụng đất mà sau 3 năm chưa có quyết định thu hồi đất hoặc chưa được phép chuyển mục đích sử dụng đất thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất phải điều chỉnh, hủy bỏ và phải công bố việc điều chỉnh, hủy bỏ việc thu hồi hoặc chuyển mục đích đối với phần diện tích đất ghi trong kế hoạch sử dụng đất.

Phan Tuấn