Tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn diễn biến phức tạp
Trật tự - Ngày đăng : 10:07, 28/02/2017
Nhiều hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng bị thu giữ trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu. Ảnh tư liệu |
Thực hiện đợt cao điểm này, các thành viên của Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh Đắk Nông (gọi tắt là BCĐ 389) đã tiến hành kiểm tra các loại hàng cấm, hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ… và các nội dung khác liên quan đến hoạt động thương mại theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, ngành chức năng đã kiểm tra các tổ chức, cá nhân đang hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, các siêu thị, chợ trung tâm thị trấn, thị xã và các chợ vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới và đặc biệt chú ý các điểm tổ chức hội chợ trên địa bàn.
Kết thúc đợt cao điểm, các đơn vị thành viên của BCĐ 389 đã kiểm tra, xử lý 358 vụ, phát hiện 358 hành vi vi phạm của 428 đối tượng; giao cơ quan điều tra xử lý hình sự 5 vụ với 7 bị can và thu nộp ngân sách nhà nước gần 2 tỷ đồng.
Ngoài ra, lực lượng chức năng đã tịch thu 2,8 kg pháo, 2,19 g heroin, 5,0306g Methamphetamine (ma túy đá), 4 bộ sử dụng ma túy, 3,26 m3 gỗ quý hiếm, 33,5 m3 gỗ thường, 13 lọ mỹ phẩm, 47 điện thoại di động, 1 cân tiểu ly, 4 âm ly, 2.300 dây điện nháy, 1 xe ô tô, 4 xe đạp điện, 394 gói bột ngọt, 509 kg cá khô, mực khô và xúc xích, 220 kg cà phê, 2,581 m3 gỗ căm xe, 4,284 m3 gỗ bằng lăng và 1.019 bao thuốc lá điếu các loại.
Lực lượng chức năng cũng kịp thời ngăn chặn nhiều vụ vận chuyển, tiêu thụ các mặt hàng thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ và vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm. Điển hình, từ ngày 11 - 19/1/2017, Chi cục Quản lý thị trường (Sở Công thương) đã phát hiện, tịch thu, xử lý 509 kg thực phẩm (gồm: cá khô, xúc xích) và 220 kg cà phê không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Theo ông Phạm Tường Độ, Phó Giám đốc Sở Công thương kiêm Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường thì hoạt động của các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là rất phức tạp. Tuy nhiên, nhiều hành vi gian lận dù đã bị phát hiện, xử lý nhưng đây chỉ là phần nổi của “tảng băng chìm”. Nguyên nhân là do lực lượng mỏng, trong khi mức độ vi phạm của các đối tượng ngày càng tinh vi, liều lĩnh; địa bàn quản lý rộng nên thực sự việc kiểm soát, phòng chống buôn lậu, hàng giả, hàng gian rất khó khăn. Vì thế, việc phát huy vai trò giám sát, cung cấp thông tin, tố cáo các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại của người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa là rất quan trọng. Bên cạnh đó, các ngành đã tăng cường công tác tuyên truyền để người dân kịp thời nắm bắt và cùng tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo đảm quyền lợi của mình.