Gia tăng tình trạng buôn bán động vật rừng trái phép
Trật tự - Ngày đăng : 09:00, 07/07/2021
Theo số liệu thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Nông, từ đầu năm 2021 đến nay, lực lượng kiểm lâm đã phối hợp với các đơn vị chức năng kiểm tra, phát hiện 9 vụ vi phạm liên quan đến động vật rừng.
Động vật rừng thu giữ tại nhà bà Nguyễn Thị Liên, ở thôn 10, xã Quảng Hòa (Đắk Glong) |
Lực lượng chức năng đã tịch thu, tạm giữ 31 cá thể và 69 kg thịt động vật hoang dã đang nuôi nhốt, cất giữ, vận chuyển đi tiêu thụ. Đặc biệt, có nhiều vụ mua bán, tàng trữ các loài động vật nguy cấp, quý, hiếm với số lượng lớn, có dấu hiệu tội phạm.
Điển hình là vụ nuôi nhốt trái phép 17 cá thể kỳ đà vân (với tổng trọng lượng 27 kg), tại nhà ông Nguyễn Văn Quyết, xã Đắk D'rông (Cư Jút). Đây là loài động vật rừng nguy cấp, quý hiếm, thuộc nhóm IB.
Gia đình ông Quyết không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của số kỳ đà này. Ngày 7/5/2021, cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Cư Jút ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” đối với vụ việc trên.
Tương tự, mới đây, lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra nhà bà Nguyễn Thị Liên, ở thôn 10, xã Quảng Hòa (Đắk Glong) và phát hiện 3 cá thể cheo cheo (nhóm IB) đã chết, với trọng lượng 3 kg; 1 cá thể dúi đã chết, trọng lượng 1 kg.
Tại thời điểm kiểm tra, bà Liên không xuất trình được hồ sơ chứng minh nguồn gốc xuất xứ số động vật rừng nói trên. Lực lượng chức năng đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với bà Nguyễn Thị Liên 20 triệu đồng về hành vi tàng trữ động vật hoang dã trái pháp luật và tịch thu tang vật vi phạm...
Theo đánh giá của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, nguyên nhân của tình trạng buôn bán, tàng trữ động vật rừng là do nhu cầu, thị hiếu thiếu lành mạnh của một số bộ phận người dân. Lợi nhuận lớn từ việc mua bán động vật hoang dã cũng là nguyên nhân dẫn đến nạn săn bắt, mua bán, tàng trữ trái phép thú rừng diễn ra nhiều.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã cho người dân, nhất là khu vực nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số, chưa đạt hiệu quả cao.
Lực lượng kiểm lâm huyện Cư Jút thả 17 con kỳ đà vân về với môi trường tự nhiên. Ảnh: S.V |
Để nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ các loài động vật hoang dã, bên cạnh sự nỗ lực của lực lượng chức năng, cần có sự chung tay, vào cuộc của các cấp, các ngành và toàn xã hội.
Các ngành chức năng thường xuyên kiểm tra các quán ăn, nhà hàng, các điểm kinh doanh, các hộ nuôi động vật hoang dã; vận động ký cam kết không nuôi, nhốt, mua bán, sử dụng, trưng bày, quảng cáo các loại động vật hoang dã, đặc biệt là các loài nguy cấp, quý, hiếm.
Trường hợp phát hiện vi phạm, cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm theo quy định, kiên quyết thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Các vụ việc vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã có dấu hiệu tội phạm, các cơ quan tố tụng cần đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, kịp thời đưa ra xét xử công khai, lưu động, bảo đảm tính răn đe cho xã hội.