18 công trình thủy lợi xuống cấp, thiếu an toàn
Trật tự - Ngày đăng : 08:38, 14/07/2021
Hồ Đắk Pin, xã Quảng Sơn (Đắk Glong), được xây dựng từ hơn 20 năm nay. Hồ chứa này có dung tích trên 600.000 m3 nước, phục vụ tưới cho trên 350 ha cây trồng của người dân bon R’Bút, xã Quảng Sơn.
Thân đập đất hồ Đắk Pin (Đắk Glong) đã xuống cấp, có nguy cơ sạt lở cao |
Hiện hồ Đắk Pin đã bị hư hỏng, xuống cấp trầm trọng. Cụ thể như thân đập đã sụt lún; mái hạ, mái thượng đều sạt lở; bể tiêu năng hư hỏng hoàn toàn; tràn xả lũ xuống cấp.
Theo Chi nhánh Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi huyện Đắk Glong, hồ Đắk Pin đang có nhiều nguy cơ mất an toàn, nhất là trong mùa mưa lũ. Chi nhánh đang lo lắng vì nguy cơ vỡ đập sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống người dân...
Toàn tỉnh Đắk Nông có 262 hồ đập thủy lợi. Trong đó, 43 đập, hồ chứa lớn; 133 đập, hồ chứa vừa và 74 đập, hồ chứa nhỏ. Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi tỉnh hiện quản lý 234 hồ đập, còn lại do UBND các huyện, thành phố quản lý.
Đến nay có 18 công trình hồ đập thủy lợi đã hư hỏng, xuống cấp. Trong đó, những công trình hư hỏng nặng như hồ Đắk Điêr, hồ Trúc (Cư Jút); hồ số 1 và 2 (Đắk Glong). Một số công trình cần lưu ý theo dõi sát sao như: Hồ Đắk Pin (Đắk Glong); hồ đội 3, hồ ông Hứa (Đắk Mil).
Theo Sở Nông nghiệp - PTNT, hiện nay, việc thực hiện các quy định về quản lý an toàn hồ đập của các đơn vị còn nhiều vấn đề bất cập. Chẳng hạn, đối với việc kê khai, đăng ký an toàn hồ đập, đến nay chỉ có Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi tỉnh thực hiện. Toàn tỉnh chỉ có 10/262 hồ đập được lập, điều chỉnh bổ sung quy trình vận hành.
Nhiều yêu cầu khác chưa được các đơn vị quản lý, vận hành hồ đập thực hiện như: Lắp đặt hệ thống giám sát vận hành; lắp đặt hệ thống thiết bị quan trắc công trình đập, hồ chứa nước; lắp hệ thống quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng...
Theo ông Hoàng Trung Thơ, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT, phần lớn hạ tầng thủy lợi của tỉnh đều được đầu tư từ lâu nên hiện đã bị xuống cấp nhiều. Mặt khác, nhiều chủ đầu tư chưa tính toán hết các yếu tố khai thác bền vững hồ đập mà chỉ mới phục vụ cho nhu cầu trước mắt.
Trong khi nguồn kinh phí địa phương hạn hẹp, nên làm chậm việc nâng cấp, sửa chữa, đầu tư cho các công trình hồ đập. Tỉnh đã kiến nghị các bộ, ngành Trung ương ưu tiên bố trí vốn sửa chữa, nâng cấp, bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, nhưng số kinh phí được cấp rất hạn chế.
Cũng theo ông Thơ, trong điều kiện hiện nay, các chủ hồ đập cần thường xuyên theo dõi công trình, lên kế hoạch ứng phó với các tình huống xấu. Các đơn vị cần xử lý nhanh khi các hồ đập gặp vấn đề, sự cố, qua đó hạn chế thấp nhất những thiệt hại có thể xảy ra.