Hóa giải mâu thuẫn, gắn kết cộng đồng
Trật tự - Ngày đăng : 06:20, 13/12/2021
Giữ gìn tình đoàn kết thôn xóm
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 715 tổ hòa giải với 3.902 hòa giải viên. Trong năm 2021, các tổ hòa giải cơ sở đã tiếp nhận 629 vụ việc và đã hòa giải thành công 372 vụ việc, đạt 64,13%.
Theo đánh giá của Sở Tư pháp, các tổ hòa giải cơ sở đã phát huy hiệu quả trong thực tiễn, hòa giải kịp thời những mâu thuẫn, xích mích nhỏ trong cộng đồng dân cư, góp phần giữ gìn tình làng nghĩa xóm, hạn chế tối đa khiếu nại đông người, vượt cấp.
UBND các huyện, thành phố đã rà soát, kiện toàn và phối hợp với Mặt trận tăng cường kiểm tra, hướng dẫn các tổ hòa giải ở cơ sở hoạt động theo đúng quy định. Số vụ hòa giải thành công ngày càng tăng không những hỗ trợ đắc lực cho chính quyền địa phương trong việc giải quyết trực tiếp những vụ việc vi phạm pháp luật, tranh chấp nhỏ trong người dân, mà tình đoàn kết thôn xóm được gìn giữ, phát huy, bà con sống hòa thuận, êm ấm.
Đơn cử trong năm 2021, thị trấn Kiến Đức (Đắk R’lấp) tiếp nhận 45 đơn kiến nghị, phản ánh của người dân; trong đó, tranh chấp đất đai 24 đơn. Sau khi tiếp nhận, UBND thị trấn Kiến Đức đã chỉ đạo các tổ hòa giải thực hiện các trình tự theo quy định của pháp luật về hòa giải. Với nỗ lực và tinh thần trách nhiệm cao, các tổ hòa giải đã hòa giải thành công 20 vụ.
Điển hình, ngày 18/3/2021, ông Vũ Văn Thường ở tổ dân phố 1, thị trấn Kiến Đức có đơn khiếu nại, trong quá trình đổ đất làm mặt bằng, ông Đoàn Ngọc Thể đã làm tràn đất sang rẫy nhà ông, ảnh hưởng đến cây trồng. Sau khi được tổ hòa giải tiến hành hòa giải, ông Thể đã khắc phục và được ông Thường chấp nhận, cả hai nhà không xảy ra mâu thuẫn, giữ vẹn tình làng, nghĩa xóm.
Ông Đoàn Ngọc Thể ở tổ dân phố 1, thị trấn Kiến Đức (Đắk R'lấp) khắc phục việc tràn đất sang rẫy ông Vũ Văn Thường |
Tương tự, bà Trần Thị Lệ Sáng, ở tổ dân phố 6, thị trấn Kiến Đức có đơn khiếu nại về việc ông Nguyễn Văn Dệt trong quá trình làm nhà đã lấn sang đất nhà bà. Được tổ hòa giải vào cuộc, hai bên đã thống nhất phương án đền bù, nhờ đó mâu thuẫn lâu nay được gỡ bỏ, hai nhà lại là hàng xóm tốt của nhau.
Cần sự quan tâm nhiều hơn
Theo quy định, các thành viên tham gia tổ hòa giải gồm có tổ trưởng hoặc tổ phó, cán bộ mặt trận thôn và thành viên tổ chức đoàn thể (thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh…); đối với các buôn, bon thường có thêm người có uy tín.
Các thành viên tổ hòa giải vừa làm công tác hòa giải, vừa tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Sau khi nắm tình hình các vụ việc, các hòa giải viên thực hiện nhiều hình thức hòa giải như đối thoại trực tiếp; thông qua các buổi sinh hoạt của các đoàn thể; tổ chức các buổi nói chuyện về nội dung pháp luật, giới thiệu văn bản pháp luật mới...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế hoạt động hòa giải ở cơ sở bộc lộ không ít bất cập. Theo bà Phạm Thị Thái Nguyên, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Kiến Đức, các trường hợp mâu thuẫn, tranh chấp ngày càng đa dạng, phức tạp, trong khi trình độ, kỹ năng hòa giải của một số hòa giải viên còn hạn chế về kiến thức pháp luật, chủ yếu hòa giải theo kinh nghiệm. Việc nắm bắt, tìm hiểu các quy định pháp luật có liên quan đến vụ việc hòa giải còn nhiều hạn chế. Phần lớn thành viên tổ hòa giải cao tuổi nên không am hiểu nhiều về kỹ năng công nghệ thông tin để tra cứu các tài liệu nghiên cứu, áp dụng vào các vụ việc hòa giải.
Thành viên tổ hòa giải tổ dân phố 1, thị trấn Kiến Đức (Đắk R'lấp) trong một lần xuống hiện trường xác minh tranh chấp về đất đai |
Ngoài ra, các thành viên tổ hòa giải phải kiêm nhiệm nhiều việc, thường có thay đổi, nên việc kiện toàn nhân lực ở một số nơi chưa thực hiện được thường xuyên. Kinh phí hoạt động hòa giải hoàn toàn phụ thuộc vào ngân sách địa phương. Trong khi đó, kinh phí hoạt động hòa giải cơ sở thường cần phải có để sử dụng cho rất nhiều hoạt động như đào tạo, tập huấn, đầu tư cơ sở vật chất, tài liệu kiến thức và trả thù lao cho hòa giải viên. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về hòa giải phải kiêm nhiệm nhiều việc.
Vì vậy, để công tác hòa giải cơ sở đạt kết quả tốt, cần có sự quan tâm, lãnh đạo trực tiếp của các cấp ủy, chính quyền và sự phối hợp chặt chẽ của Mặt trận, đoàn thể các cấp, chú trọng giới thiệu những người có đủ trình độ, năng lực, uy tín vào các tổ hòa giải ở cơ sở.
Ngoài ra, các cấp, các ngành cũng cần quan tâm, tạo điều kiện cho hòa giải viên giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, kỹ năng. Đội ngũ cán bộ tư pháp ở địa phương cần phát huy vai trò chủ động tham mưu trong quản lý nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở.