Chưa giao mặt bằng vì yêu cầu tái định cư cho bố mẹ đã mất
Trật tự - Ngày đăng : 10:30, 28/03/2022
Trung tuần tháng 3/2022, khu vực giải phóng mặt bằng dọc đường Nguyễn Văn Trỗi, phường Nghĩa Đức (Gia Nghĩa), vẫn còn nham nhở. Một trong những căn nhà kiên cố bậc nhất ở khu vực này là của gia đình bà Phạm Thị Ngọc Thủy vẫn chưa được di dời.
Bà Thủy đã đồng ý nhận tiền đền bù và các chế độ tái định cư theo quy định. Thế nhưng, bà chưa chuyển đi bởi còn vướng mắc liên quan đến căn nhà gỗ ngay cạnh. Căn nhà gỗ này là của ông Phạm Ngọc Chậm, bố bà Thủy.
Theo hồ sơ do gia đình bà Thủy cung cấp, hộ ông Phạm Ngọc Chậm (SN 1937) đã sinh sống trên thửa đất này từ những năm 70 của thế kỷ trước. Ông Chậm được UBND huyện Đắk Nông (cũ) cấp sổ đỏ năm 2003 trên thửa đất 326,3m2.
Căn nhà của gia đình ông Phạm Ngọc Chậm đã xuống cấp sau nhiều năm quy hoạch |
Khoảng năm 2006, khu vực nhà của ông Chậm bị quy hoạch để thực hiện Dự án Quảng trường Gia Nghĩa. Thế nhưng, dự án sau đó trải qua thời gian dài vẫn chưa được triển khai.
Năm 2015, nhiều hộ dân (trong đó có ông Chậm) đã kiến nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các cơ quan liên quan cho phép họ được nhận tiền đền bù, tái định cư trước để yên tâm làm ăn, sinh sống.
Thế nhưng, các kiến nghị này đều không được chấp nhận. Năm 2016, ông Phạm Ngọc Chậm qua đời. “Căn nhà bị quy hoạch năm bố mẹ tôi gần 70 tuổi. Hơn 10 năm, gia đình tôi phải sống trong căn nhà ọp ẹp, xuống cấp. Bố mẹ tôi ra đi với những kiến nghị kéo dài nhưng bất thành”, bà Phạm Thị Trang (con gái út ông Chậm) nghẹn ngào cho biết.
Bà Phạm Thị Trang sống từ nhỏ với bố mẹ. Thế nhưng, do căn nhà ông Chậm thường xuyên ngập nước, chật chội, nên sau khi lấy chồng, bà đã thuê trọ để ở. Khi bố mẹ qua đời, căn nhà xuống cấp, nên bà Trang vẫn ở trọ. Lâu lâu, bà về quét dọn nhà cửa, thắp nhang khói.
Bà Phạm Thị Trang (con gái ông Phạm Ngọc Chậm) bên căn nhà cũ |
Ngày 24/6/2019, UBND TP. Gia Nghĩa ban hành Quyết định thu hồi thửa đất 326,3m2. Do ông Phạm Ngọc Chậm không để lại di chúc, nên đối tượng đất bị thu hồi là “Những người thừa kế của ông Phạm Ngọc Chậm”.
Tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ cho thửa đất bị thu hồi là gần 2,1 tỷ đồng. Riêng hộ bà Phạm Thị Trang được cấp 1 lô đất tái định cư.
Tuy nhiên, tất cả “Những người thừa kế của ông Phạm Ngọc Chậm” (các con trai, gái của ông Chậm) cho rằng, chính quyền phải cấp riêng cho họ thêm 1 lô đất tái định cư để có nơi thờ cúng cha mẹ.
Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, đại diện các con của ông Chậm chia sẻ: “Nhà nước thu hồi đất chậm, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của gia đình chúng tôi. Nếu Nhà nước thu hồi đúng thời điểm, bố mẹ tôi đã nhận được 1 lô đất tái định cư. Chúng tôi không chống đối mà chỉ mong Nhà nước cấp thêm 1 lô đất để có nơi thờ tự cho cha mẹ mình”.
Việc giải phóng mặt bằng đang bị “vướng” do người dân yêu cầu cấp tái định cư |
Theo Phó Chủ tịch UBND phường Nghĩa Đức Nguyễn Trường Chinh, chính quyền địa phương chịu trách nhiệm xác nhận nguồn gốc, thời điểm sử dụng đất, xây dựng nhà cho người dân để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng. Đây là căn cứ để xác định các trường hợp được cấp đất tái định cư.
Về trường hợp này, theo ông Chinh, nếu ông Chậm hoặc vợ còn sống thì sẽ được 1 lô đất tái định cư. Do vợ chồng ông Phạm Ngọc Chậm đã chết trước thời điểm Nhà nước thu hồi đất, nên không thể cấp đất tái định cư là đúng quy định.
Riêng hộ bà Phạm Thị Trang, thuộc đối tượng đã lập gia đình và cùng sinh sống với bố mẹ, nên được cấp 1 lô đất tái định cư. “Họ nói có lý của họ, nhưng chính quyền phải làm theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp này, chúng tôi đã làm đúng theo Quyết định số 07 năm 2015 của UBND tỉnh Đắk Nông”, ông Chinh khẳng định.